iFOREST: Mất 900 tỷ USD để Ấn Độ từ bỏ than đá

11:18' - 24/03/2023
BNEWS Chuyển đổi xanh-Kinh tế tuần hoàn: Ước tính chi phí 900 tỷ USD để Ấn Độ từ bỏ than đá

Nếu Ấn Độ ngừng sử dụng than đá ngay ngày mai, hơn 5 triệu người sẽ mất việc, nhưng với 900 tỷ USD chi trong 30 năm tới, nước này chắc chắn có thể bảo đảm được không ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực lớn chuyển sang năng lượng sạch nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Những con số trên được đưa ra trong 2 bản báo cáo của Diễn đàn quốc tế về môi trường, bền vững và công nghệ (iFOREST) - tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi - công bố ngày 23/3, trong đó ước tính cụ thể tốn phí Ấn Độ cần để chuyển đổi từ than đá và các loại nhiên liệu gây ô nhiễm khác sang nhiên liệu sạch mà không ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người đang làm việc tại các mỏ than và nhà máy nhiệt điện.

 

iFOREST nhấn mạnh các phân tích về khí hậu và năng lượng cần cân nhắc việc đảm bảo mọi người có thể cùng tham gia chuyển đổi sang năng lượng sạch vốn rất cần thiết để ngăn chặn những tác hại tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đồng thời đảm bảo các cơ hội việc làm mới cho những lao động trong các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Người đứng đầu iFOREST, ông Chandra Bhushan cho biết: “Cần phải xem chuyển đổi là một cơ hội để Ấn Độ hỗ trợ tăng trưởng xanh tại các bang và tỉnh đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của nước này”. Theo ông, để đưa ra con số 900 tỷ USD nói trên, iFOREST đã nghiên cứu 4 tỉnh sử dụng than đá tại Ấn Độ và xác định 8 tiêu chí khác nhau về chi phí như xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp người lao động sẵn sàng chuyển đổi.

Đầu tư riêng lẻ lớn nhất để khởi động một quá trình chuyển đổi sẽ là chi phí để xây dựng hạ tầng năng lượng sạch, ước tính có thể lên tới 472 tỷ USD vào năm 2050. Cung cấp việc làm năng lượng sạch cho người lao động sẽ tốn gần 10% tổng số tiền cần cho chuyển đổi, tức khoảng 9 tỷ USD.

iFOREST cho rằng 600 tỷ USD sẽ lấy từ các đầu tư vào các ngành mới và hạ tầng; 300 tỷ USD là các khoản trợ cấp và vay để hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực than đá và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Trợ lý cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Sandeep Pai cho biết: “Quy mô chuyển đổi này là rất lớn. Nếu tính cả các lao động chính thức và không chính thức, con số sẽ lên tới 15-20 triệu người”.

Ấn Độ là một trong những nước phát thải khí lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). 75% nhu cầu điện năng, 55% nhu cầu năng lượng chung của nước này phụ thuộc vào than đá. Đầu tháng này, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành các sắc lệnh khẩn cấp, nêu rõ các nhà máy than đá sẽ hoạt động hết công suất trong mùa Hè tới để tránh tình trạng thiếu điện. Theo số liệu của chính phủ, việc sử dụng than đá dự kiến đạt đỉnh vào quãng thời gian 2035-2040.

Năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo mục tiêu nước này sẽ đạt trung hòa khí thải vào năm 2070. Ngày 20/3 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres kêu gọi các nước đẩy nhanh mục tiêu trung hòa khí thải, đặc biệt là các nước đang phát triển cần đặt mục tiêu năm 2050.

 Hai bản báo cáo của iFOREST khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ tập trung trước tiên vào việc cho ngừng hoạt động các nhà máy điện và khu mỏ cũ và không sinh lời. Hơn 200 trong số 459 khu mỏ của nước này có thể “nghỉ hưu” theo tiêu chí này.

Theo nghị sĩ Jayant Sinha, đại biểu của thành phố giàu than đá Hazaribagh, bang Jharkhand (miền Trung Ấn Độ), chuyển đổi năng lượng cần phải bắt đầu từ than đá. Ông nhấn mạnh việc chuyển sang năng lượng sạch cần cả tiền và thể chế ủng hộ và hai điều này phải diễn ra song song thì chuyển đổi mới thành công.

Các chuyên gia về năng lượng nhận định các quan hệ đối tác với các nước phát triển để giúp các nước phụ thuộc vào than đá chuyển đổi năng lượng đã được thiết lập trong những năm gần đây. Mặc dù các thỏa thuận này đang đi đúng hướng, nhưng vẫn quá ít để tạo ra tác động thực sự. Trong khi đó, cam kết của các nước phát triển về các quỹ khí hậu có thể gây hoài nghi, bởi lời hứa cung cấp cho các nước đang phát triển và có thu nhập thấp 100 tỷ USD/năm để giúp ứng phó với các thách thức khí hậu được các nước phát triển đưa ra từ năm 2009 đến nay vẫn chưa thành hiện thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục