IMF: Các nước không nên chấm dứt các biện pháp tài chính quá sớm

14:34' - 16/07/2020
BNEWS Theo IMF, cho dù nợ toàn cầu tăng cao kỷ lục, các chính phủ nên tiếp tục các biện pháp tài chính hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp khi những quốc gia này mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ông Vitor Gaspar, Giám đốc phục trách các vấn đề tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng dù nợ toàn cầu đang tăng lên mức cao kỷ lục, các chính phủ nên tiếp tục mở rộng các biện pháp tài chính để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp khi những quốc gia này dần mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 15/7, ông Gaspar cho biết giữa mức nợ công cao với việc rút lại các hỗ trợ tài chính quá sớm, vế thứ hai có độ rủi ro lớn hơn.

Theo ước tính mới nhất của IMF, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các chính phủ trên khắp thế giới tiến hành các chính sách tài khóa ở quy mô chưa từng có là gần 11.000 tỷ USD, vượt xa quy mô của những biện pháp tương tự được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài từ năm 2008-2010.

Tuy nhiên, điều này đồng thời đẩy nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục, tương đương hơn 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Nhưng ngay cả khi mức nợ công tăng cao kỷ lục, ông Gaspar nói rằng điều quan trọng là các chính phủ phải có những biện pháp tài chính để tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong trường hợp dịch COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát. Như vậy,  nền kinh tế mới có thể điều chỉnh dần sang con đường tăng trưởng mới, bền vững và toàn diện.

Ông Gaspar lưu ý rằng vấn đề bất bình đẳng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong và sau đại dịch COVID-19. Các ước tính mới đây dự báo số người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực sẽ tăng thêm hàng chục triệu trên toàn cầu vì tác động của đại dịch COVID-19.

Do vậy, ông Gaspar kêu gọi các chính sách tài khóa nên tính đến điều đó. Việc chi tiêu của chính phủ nên chủ yếu là đầu tư vào con người, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cũng như các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Về nguồn thu ngân sách và thuế, các chính sách tài khóa cũng cần đảm bảo rằng mọi người dân đóng góp phù hợp với khả năng chi trả của họ. Trong khi đó, các hành vi đã trở nên phổ biến như tránh thuế và trốn thuế cần được xử lý hiệu quả với cách tiếp cận toàn cầu.

Nhìn chung, ông Gaspar đánh giá nợ công toàn cầu dự kiến sẽ "ổn định" vào năm 2021, chủ yếu nhờ lãi suất thấp. Sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế cũng được kỳ vọng sẽ là một yếu tố hỗ trợ, mặc dù ông Gaspar lưu ý các nước vẫn nên thận trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục