IMF cảnh báo nợ toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm 2020

08:31' - 15/04/2020
BNEWS Ngày 14/4, IMF cảnh báo nợ toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm tới và nhấn mạnh việc tái cơ cấu và giãn nợ có thể vẫn cần được duy trì sau khi kinh tế thế giới hoạt động bình thường trở lại.

 

Ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nợ toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm tới, nhấn mạnh rằng việc tái cơ cấu và giãn nợ có thể vẫn cần được duy trì sau khi kinh tế thế giới hoạt động bình thường trở lại sau các lệnh phong tỏa do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại họp báo, nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath cho rằng trong bối cảnh nguy cơ suy thoái phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu, tỷ lệ nợ đầu ra sẽ ổn định khi các nền kinh tế phục hồi.

Bà Gopinath cho biết một số quốc gia sẽ yêu cầu viện trợ bao gồm việc tái cấu trúc nợ, đồng thời kêu gọi các chủ nợ chính thức đưa ra giải pháp giảm nợ cho các nước nghèo.

Về tình hình kinh tế khu vực, IMF dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế ở khu vực Nam Sahara của châu Phi sẽ giảm 1,6% trong năm nay do các lệnh phong tỏa, giới nghiêm của nhiều chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cụ thể, Tổng sản phẩm (GDP) của nền kinh tế hàng đầu châu Phi như Nigeria, Nam Phi sẽ lần lượt giảm ở mức 3,4% cho đến 5,8% do dịch bệnh khiến nhu cầu trên thế giới giảm mạnh và giá hàng hóa lao dốc.

Trong dự báo kinh tế mới nhất, IMF cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, thấp hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Các quốc gia trong nhóm mới nổi và đang phát triển đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế, trong khi dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà xuất khẩu.

Các con số đáng quan ngại trên được đưa ra sau khi Ngân hàng thế giới (WB) tuần trước đã cảnh báo nền kinh tế ở khu vực Nam Sahara có thể lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong 25 năm. So với các châu lục khác, châu Phi vẫn đang đứng sau về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19.

Theo hãng tin AFP, tính đến thời điểm hiện tại, lục địa nghèo nhất thế giới này đã ghi nhận gần 15.500 ca nhiễm SARS-CoV-2 và gần 850 ca tử vong do COVID-19.

Nhiều chính phủ trong khu vực đã tận dụng khoảng thời gian quý báu này để đóng cửa biên giới, yêu cầu người dân ở trong nhà để ngăn ngừa sự lây lan dù số ca nhiễm mới thấp.

Tuy nhiên, IMF cho rằng kể cả khi dịch bệnh không bùng phát mạnh tại những quốc gia trên, việc hạ dự báo tăng trưởng trong khu vực cũng phản ánh các hoạt động kinh tế nội địa bị gián đoạn do COVID-19.

Nam Phi đã rơi vào suy thoái trong quý IV/2019 với mức xếp hạng tín nhiệm bị giảm mạnh. Trong khi đó, việc giá dầu lao dốc và ngành hàng không bị đình trệ do các lệnh hạn chế tại nhiều nước đã khiến nguồn thu của các quốc gia giàu dầu mỏ như Angola và Nigeria bị sụt giảm.

IMF nhận định các nước cần có các biện pháp tài chính nhằm giúp giảm bớt các tác động tiêu cực và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau khi lệnh hạn chế bị dỡ bỏ.

Tổ chức này cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài cho những quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính để ứng phó dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục