IMF: Chương trình QQE của Nhật Bản có lợi cho các nền kinh tế châu Á

10:06' - 23/05/2016
BNEWS Chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản trong những năm qua đã tác động tích cực đến các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
IMF: Chương trình QQE của Nhật Bản có lợi cho các nền kinh tế châu Á. Ảnh: investing.com

Đó là đánh giá của một số nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản trong những năm qua đã tác động tích cực đến các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Đây được coi là tài liệu nghiên cứu đầu tiên về những tác động của chương trình nới lỏng định tính và định lượng (QQE) mà Chính phủ Nhật Bản đang theo đuổi đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tài liệu được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tại “xứ hoa anh đào”, QQE bắt đầu được thực thi từ năm 2013 qua động thái mua trái phiếu chính phủ và các loại tài sản khác như các quỹ đầu tư tín thác và quỹ đầu tư bất động sản.

Cho đến nay, QQE đã phát huy tác dụng trong việc kéo giá trị đồng yen giảm xuống 119 yen = 1 USD vào tháng 8/2015, từ mức 82 yen đổi lấy 1 USD được ghi nhận trong năm 2012. Cùng với đó là các chỉ số chứng khoán và tình hình lạm phát được cải thiện đáng kể trong thời gian này.

Hai nhà nghiên cứu Giovanni Ganelli và Nour Tawk, đồng tác giả của tài liệu trên, nhận định việc thực thi QQE tại Nhật Bản không chỉ tác động tích cực đến chứng khoán Nhật Bản mà còn tạo ra một làn sóng đi lên tại các sàn chứng khoán của nhiều nền kinh tế châu Á mới nổi, giúp đồng nội tệ của họ nhích lên.

Kết quả là, hầu hết các nước Đông Nam Á đều chứng kiến sản lượng tăng, lạm phát đi lên (mặc dù chỉ là trong ngắn hạn) và dòng vốn đổ vào khá mạnh.

Cũng theo hai chuyên gia này, chương trình QQE của Nhật Bản đã giúp cải thiện 2-5% các chỉ số chứng khoán của nhiều nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Bên cạnh đó, mặc dù việc nới lỏng tiền tệ đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia tăng giá so với đồng yen song các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan vẫn chứng kiến đà tăng trưởng giữa bối cảnh các thị trường chứng khoán được cải thiện.

Có thể lấy Trung Quốc, nước có quan hệ thương mại mật thiết với Nhật Bản, làm ví dụ. Mặc dù chứng kiến đồng NDT mạnh lên so với đồng yen, song Bắc Kinh vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực dù không lớn đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng được hưởng lợi nhờ vào giá thành nhập khẩu rẻ hơn, cũng như những diễn biến tích cực trên các sàn chứng khoán.

Những quan điểm trái chiều về chính sách tiền tệ và các hình thức can thiệp vào thị trường tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ là tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Ise-Shima thuộc tỉnh Mie (Nhật Bản) trong hai ngày 26-27/5 tới.

Theo hãng tin Reuters, chính sách "siêu" nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản đang là nguồn cơn của những bất đồng giữa Tokyo và Washington liên quan đến vấn đề làm giảm giá đồng yen so với đồng bạc xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục