IMF và WB sẽ họp thường niên trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 10/2019

18:53' - 13/07/2022
BNEWS Ngày 12/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ tổ chức các cuộc họp thường niên trong năm 2022 theo hình thức trực tiếp vào tháng Mười tới.

 

Đây sẽ là những cuộc họp quy mô lớn trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 10/2019.

Trong thông báo chung, hai tổ chức trên nêu rõ sẽ tổ chức các cuộc họp từ ngày 10-16/10 tại các trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ), song sẽ tiếp tục theo dõi các điều kiện y tế để điều chỉnh kế hoạch một cách phù hợp.

Các cuộc họp mùa Xuân và thường niên của IMF và WB đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào năm 2020, sau đó chuyển dần sang hình thức kết hợp với sự tham gia trực tiếp của phái đoàn các nước, trong khi các sự kiện truyền thông và chính sách công diễn ra theo hình thức trực tuyến vào năm 2021. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các cuộc họp này thường thu hút hơn 10.000 người tham dự.

Đầu tháng này, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo triển vọng của kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể kể từ tháng Tư và không loại trừ nguy cơ suy thoái trong năm tới do những rủi ro gia tăng.

Bà Georgieva cho biết IMF sẽ lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2022 từ mức 3,6% trong những tuần tới và nói thêm rằng các nhà kinh tế của thiết chế tài chính này vẫn đang hoàn tất các số liệu mới.

IMF dự kiến công bố dự báo cập nhật cho năm 2022 và 2023 vào cuối tháng Bảy, sau khi đã hạ mức dự báo gần 1 điểm phần trăm vào tháng Tư. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,1% trong năm 2021.

Trước đó, WB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 khoảng 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố đầu tháng Sáu, WB cho rằng nền kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau sự phục hồi ban đầu khỏi suy thoái toàn cầu trong hơn 80 năm qua. Sự sụt giảm trên diễn ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021 sau suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.

Cũng theo WB, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc, tăng vọt. Báo cáo cũng nhấn mạnh xung đột cùng những tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ, cùng những hậu quả đối với các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình và thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục