Indonesia: Các ngân hàng kỹ thuật số phải có vốn tối thiểu 714 triệu USD

08:09' - 22/02/2021
BNEWS Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Indonesia vừa yêu cầu các ngân hàng số phải đảm bảo số vốn tối thiểu là 10.000 tỷ rupiah (714,28 triệu USD).

Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Indonesia vừa yêu cầu các ngân hàng số phải đảm bảo số vốn tối thiểu là 10.000 tỷ rupiah (714,28 triệu USD) và cho biết sẽ công bố Lộ trình phát triển ngân hàng giai đoạn 2020-2025 vào giữa năm nay.

Giám đốc điều hành FSA, ông Heru Kristiyana, cho biết theo Lộ trình nói trên, các ngân hàng kỹ thuật số có thể được thành lập mới hoàn toàn, hoặc được chuyển đổi từ các ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng kỹ thuật số sẽ phải đáp ứng các yêu cầu như phải có mô hình kinh doanh thực tế và có thể thực hiện được, sử dụng công nghệ an toàn, quản lý thận trọng, kinh doanh bền vững, giảm thiểu các rủi ro kỹ thuật số như tội phạm mạng, bảo vệ dữ liệu khách hàng, lãnh đạo am hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin, và đóng góp vào việc mở rộng tài chính toàn diện.

Indonesia đã bắt đầu soạn thảo khái niệm về ngân hàng kỹ thuật số từ 5 năm trước với PT Bank BTPN là tiên phong. Cụ thể, ngày 11/8/2016, ngân hàng có quy mô trung bình này đã ra mắt ứng dụng ngân hàng kỹ thuật số mang tên Jenius. Một năm sau, ngân hàng DBS Indonesia đã thành lập Digibank, tiếp đó là các ngân hàng PT Bank Bukopin, PT Bank Permata, và PT Bank Danamon.

PT Bank Central Asia - một trong những ngân hàng lớn nhất của Indonesia - cũng đang có kế hoạch chuyển đổi PT Bank Royal trở thành BCA Digital Bank trong năm nay sau khi mua lại ngân hàng này với giá 988 tỷ rupiah vào cuối năm 2019. Tương tự, sau khi mua lại 37,65% cổ phần của PT Bank Artos Indonesia, Northstar Capital lên kế hoạch chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng kỹ thuật số với thương hiệu “Bank Jago”.

Về phần mình, ngân hàng quốc doanh PT Bank Rakyat Indonesia cũng đang xem xét chuyển đổi một công ty con của mình là PT Bank BRI Agroniaga thành ngân hàng kỹ thuật số. Mới đây nhất, tập đoàn Sea Limited của Singapore đã nộp đơn xin phép lên FSA nhằm chuyển đổi PT Bank Kesejahteraan Ekonomi thành ngân hàng kỹ thuật số để hỗ trợ cho công ty thương mại điện tử Shopee.

Hiện các ngân hàng Indonesia đang chuẩn bị đối mặt với thách thức trong việc số hóa và hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (những người sinh ra khoảng từ năm 1980-1995) vốn được dự báo sẽ chiếm 58% tổng dân số của quốc gia này vào năm 2027.

Số hóa được kỳ vọng có thể giúp các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động và thu hút đông đảo các đối tượng khách hàng trên toàn quốc thông qua công nghệ. Theo ước tính, cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể góp phần giúp nền kinh tế Indonesia đạt mức tăng trưởng hàng năm 7%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục