Indonesia hủy dự án nhà máy điện than 1 GW nhằm cắt giảm phát thải

17:28' - 29/06/2022
BNEWS Công ty điện lực PLN thuộc sở hữu nhà nước Indonesia đã hủy dự án phát triển nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1 GW nhằm thực hiện cam kết cắt giảm phát thải carbon.

Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của PLN, ông Gregorius Adi Trianto xác nhận rằng công ty đã hủy kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy than với công suất 1 GW ở huyện Indramayu, tỉnh Tây Java.

Trao đổi với tờ Jakarta Post ngày 24/6, ông Gregorius cho biết PLN đã chủ động ngừng vay vốn cho dự án này như một phần trong nỗ lực nhằm giúp Indonesia đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Việc chấm dứt dự án trên diễn ra ngay sau khi Nhật Bản tuyên bố hủy bỏ kế hoạch cung cấp khoản vay trị giá 1,7 tỷ yen (12,55 triệu USD) để phát triển nhà máy Indramayu trong bối cảnh quốc tế ngày càng chỉ trích các nhà máy điện than - nguồn phát thải khí nhà kính lớn.

Nm 2021, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chấm dứt các hình thức viện trợ mới cho các nhà máy nhiệt điện chạy than không có các biện pháp để hạn chế phát thải.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn khẳng định rằng một số dự án được coi là đang được triển khai, trong đó có dự án Indramayu, thuộc diện miễn trừ, khiến các nhóm môi trường cáo buộc nước này vi phạm thỏa thuận G7.

Theo kế hoạch thu mua điện dài hạn (RUPTL) năm 2021, nhà máy Indramayu dự kiến bắt đầu vận hành thương mại vào năm 2029. Indonesia đã tiến hành khảo sát về dự án này với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Ngày 24/6, Đại sứ quán Nhật Bản tại Indonesia cho biết Nhật Bản đã quyết định ngừng đầu tư vào nhà máy Indramayu vì nhận được dấu hiệu cho thấy Indonesia sẽ ngừng dự án. Cơ quan đại diện ngoại giao này tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác tùy theo điều kiện của các quốc gia, bao gồm Indonesia, nhằm khử carbon và chuyển đổi năng lượng.

Chuyên gia Elrika Hamdi thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho rằng việc hủy dự án Indramayu sẽ giải phóng không gian cho năng lượng tái tạo trong mạng lưới truyền tải điện Java-Bali.

Bà Elrika không loại trừ việc nguồn cung điện dư thừa hiện nay ở Indonesia có thể là một trong những lý do khiến PLN chấm dứt dự án.

Đầu năm nay, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PLN Darmawan Prasodjo cho hay Indonesia đang dư thừa điện rất lớn, đặc biệt là ở đảo Java. Cụ thể, nguồn cung điện ở Java đã tăng khoảng 6 GW vào năm 2021, trong khi nhu cầu chỉ tăng khoảng 800 MW.

Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, tổng mức đầu tư vào ngành điện đã đạt 700 triệu USD trong quý I năm nay, giảm 63% so với mức mục tiêu 1,89 tỷ USD của chính phủ, trong bối cảnh sự sụt giảm doanh thu làm hạn chế khả năng đầu tư của PLN.

Bà Elrika cho biết thêm rằng nguồn vốn hạn chế - vốn trở nên trầm trọng hơn bởi các nhà đầu tư năng lượng than đá lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, rời khỏi lĩnh vực này, cộng với áp lực quốc tế đẩy nhanh quá trình khử carbon - là một trong những lý do khiến các dự án nhà máy điện than bị từ bỏ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Indonesia.

Nhà phân tích Shirley Zhang thuộc công ty tư vấn năng lượng, hóa chất và khoáng sản toàn cầu Wood Mackenzie cho biết các dự án bị ảnh hưởng nhiều nhất là những dự án thiếu cam kết tài chính và phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.

Những nhà máy này bao gồm các nhà máy điện than của Indonesia với tổng công suất 29 GW và dự kiến bắt đầu hoạt động sau năm 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục