Indonesia sẽ ngừng bán xe máy và ô tô thông thường để hướng tới xe điện

08:51' - 12/10/2021
BNEWS Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) cho biết quốc gia này sẽ ngừng bán ô tô thông thường vào năm 2050 để hướng tới mục tiêu không phát thải khí carbon ròng (NZE) vào năm 2060.

Trong một tuyên bố mới đây, ESDM khẳng định rằng việc chuyển đổi các phương tiện giao thông vận tải sang sử dụng điện là một trong năm nguyên tắc chính để đạt được mục tiêu không phát thải khí carbon.

Theo ESDM, bốn nguyên tắc còn lại bao gồm sử dụng năng lượng mới và tái tạo; giảm năng lượng hóa thạch; tăng cường sử dụng điện trong công nghiệp và hộ gia đình; thu và lưu trữ carbon (CCS).

Bộ trưởng ESDM Arifin Tasrif cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị một lộ trình chuyển đổi sang trung hòa năng lượng từ năm 2021 đến năm 2060 với một số chiến lược chính”.

Điểm nổi bật đối với ngành công nghiệp ô tô là ngừng bán các phương tiện cơ giới thông thường chạy bằng xăng và dầu diesel. Cụ thể, Indonesia sẽ ngừng bán xe máy thông thường vào năm 2040 và ngừng bán ô tô thông thường vào năm 2050.

Theo ông Arifin, trong năm nay, chính phủ sẽ ban hành một quy định của tổng thống liên quan đến năng lượng tái tạo mới và ngừng sử dụng than đá. Vào năm 2022, Indonesia sẽ có luật về năng lượng tái tạo mới và chuyển đổi sang sử dụng bếp điện cho hai triệu hộ gia đình mỗi năm.

Vào năm 2024, Indonesia sẽ tập trung xây dựng các mạng lưới và lưới điện thông minh. Năm 2025, năng lượng tái tạo mới sẽ chiếm 23% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Năm 2027, Indonesia ngừng nhập khẩu khí tự nhiên.

Vào năm 2030, năng lượng tái tạo mới sẽ chiếm 42% tổng công suất toàn hệ thống. Mạng lưới khí đốt tự nhiên sẽ cung cấp cho 10 triệu hộ gia đình; cả nước sẽ có 2 triệu ô tô điện, 13 triệu xe máy điện và 300.000 trạm sạc xe điện. Trong năm tiếp theo, tất cả nhà máy nhiệt điện than theo công nghệ truyền thống dưới tới hạn sẽ bị đóng cửa.

Vào năm 2035, Indonesia sẽ vận hành mạng lưới điện kết nối các đảo với mức tiêu thụ trung bình 2.085 kWh/người/năm và năng lượng tái tạo mới sẽ chiếm 57% tổng công suất toàn hệ thống. Tỷ lệ này sẽ được nâng lên 71% vào năm 2040.

Vào năm 2045, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Công suất điện hạt nhân sẽ được nâng dần lên 35 GW trong giai đoạn 2045-2060. Vào năm 2050, năng lượng tái tạo mới sẽ chiếm 87% tổng công suất toàn hệ thống và mức tiêu thụ điện trung bình đạt 4.299 kWh/người/năm.

Cuối cùng vào năm 2060, năng lượng tái tạo mới sẽ chiếm 100% tổng công suất toàn hệ thống; 23 triệu hộ gia đình sẽ kết nối với hệ thống cung cấp khí đốt, 52 triệu hộ gia đình sử dụng bếp điện và tiêu thụ điện trung bình đạt bình quân 5.308 kWh/người mỗi năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục