Indonesia siết chặt quản lý đối với lãnh đạo các công ty nhà nước

07:41' - 20/06/2022
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ban hành quy định mới, trong đó cấm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (SOE) đảm nhận vị trí trong đảng phái chính trị, dân biểu ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương.

Quy định này cũng có một điều khoản mới, trong đó các thành viên Hội đồng quản trị và ủy viên của các SOE có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ.

 

Một quy định trước đó được ban hành vào năm 2005 đã cấm các lãnh đạo SOE tham gia Hạ viện, cũng như các Hội đồng cấp tỉnh, khu vực hoặc thành phố, song không cấm họ ứng cử vào các cơ quan địa phương khác.

Quy định mới nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột lợi ích trong các SOE, trong bối cảnh có đến 15% ủy viên và giám đốc điều hành của các SOE hiện nay là các chính trị gia, theo số liệu thống kê năm 2021 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Giám đốc Hiệp hội Bầu cử và Dân chủ Titi Anggraini cho biết các lệnh cấm tương tự đã được ban hành ít nhất hai lần trước đó.

Quy định mới là một động thái cần thiết để củng cố những quy tắc hiện có nằm rải rác trong các điều luật riêng biệt.

Trong khi đó, các nhà phân tích bày tỏ lo ngại về hiệu quả của quy định mới trong việc loại bỏ xung đột lợi ích.

Ông Arya Fernandes thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Jakarta cho rằng các nhà lãnh đạo SOE không chỉ nên bị cấm tham gia lãnh đạo các đảng phái chính trị mà còn nên bị cấm tham gia dưới bất kỳ hình thức nào.

Bà Titi cũng cho rằng quy định mới sẽ không thể bịt được lỗ hổng, theo đó các nhà lãnh đạo SOE dù bị cấm tham gia ứng cử, song vẫn được phép tham gia các hoạt động chính trị, bao gồm vận động và hoạt động tình nguyện cho các chính trị gia.

Theo bà Titi, tốt nhất là các hạn chế cần được diễn giải cụ thể hơn và bao gồm các hoạt động thực tế. Các SOE cần phải hoạt động vì lợi ích của nhà nước, vì mọi nhóm đối tượng và vì lợi ích của tất cả mọi người.

Hadar Nafis Gumay, cựu thành viên Ủy ban Tổng tuyển cử (KPU), cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến giám đốc điều hành các SOE có nguyện vọng chính trị cao hơn, trong đó có Bộ trưởng SOE Erick Thohir - người được cho là ứng cử viên nặng ký trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.

Theo ông Hadar, có rất nhiều người trong các SOE muốn tham gia ứng cử. Tuy nhiên nếu muốn làm điều đó, họ sẽ phải nộp đơn từ chức như một phần của quy trình đăng ký. Ông Hadar bày tỏ: “Chúng tôi không muốn các SOE trở thành ‘con bò vắt sữa’ cho những người có lợi ích cá nhân”.

Ngoài kiểm soát các hoạt động chính trị, quy định mới cũng yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị của các SOE chịu hoàn toàn trách nhiệm cá nhân về bất kỳ tổn thất nào của doanh nghiệp nếu bị kết luận là thiếu trách nhiệm hoặc cẩu thả.

Các quy tắc tương tự cũng áp dụng đối với các thành viên Hội đồng thành viên và Ban cố vấn của các SOE. Các trường hợp sa thải đối với giám đốc, ủy viên hoặc cố vấn các SOE cũng được mở rộng, theo yêu cầu của Bộ trưởng hoặc cổ đông, xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục