Indonesia siết chặt quản lý với các “ông lớn” công nghệ

15:11' - 31/03/2022
BNEWS Chính phủ Indonesia sẽ trừng phạt các nền tảng kỹ thuật số từ chối gỡ bỏ các nội dung được cho là bất hợp pháp, làm dấy lên lo ngại về chính sách kiểm soát các “ông lớn” công nghệ (Big Tech).
Việc kiểm soát lĩnh vực kỹ thuật số - bề ngoài nhằm giải quyết tình trạng thông tin sai lệch tràn lan - được thúc đẩy trong bối cảnh các chính sách bảo vệ cá nhân trên không gian mạng đang bị trì hoãn tại cơ quan lập pháp. Những năm gần đây, các vụ đánh cắp dữ liệu đã ảnh hưởng đến một số tổ chức và cơ quan nhà nước của Indonesia. Thông tin cá nhân bị đánh cắp thường được rao bán bí mật và các nạn nhân không có nhiều lựa chọn để giải quyết.

Trong khi đó, các chính phủ trên khắp thế giới đã bắt tay soạn thảo luật nhằm kiểm soát các Big Tech, vốn bị cáo buộc thả lỏng giám sát đối với các nội dung nguy hiểm. Tương tự, Indonesia cũng đang tăng cường quyền kiểm duyệt nhà nước đối với không gian mạng, trong đó có việc gia tăng hình phạt.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Kominfo) cùng Bộ Tài chính đang hoàn tất một quy định của chính phủ (PP) về thu ngân sách nhà nước ngoài thuế, qua đó củng cố quyền lực nhà nước trong việc kiểm duyệt các nội dung trực tuyến. Tổng cục trưởng Ứng dụng và Tin học thuộc Kominfo Semuel Pangerapan cho biết quy định trên sẽ bao gồm một hệ thống hình phạt đối với các vi phạm nội dung trực tuyến. Trao đổi với tờ Jakarta Post ngày 28/3, ông Semuel cho hay: “Điểm quan trọng của tất cả các quy định này là cách thức vận hành không gian kỹ thuật số để chúng ta có thể tập trung khai thác lợi ích của chúng”.

Vụ trưởng Ngân sách ngoài thuế thuộc Bộ Tài chính Wawan Sunarjo tiết lộ rằng các cuộc thảo luận về cơ cấu phạt hiện vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, dù dự thảo quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng Sáu tới. Hồi tháng Một, hai Bộ đã tổ chức tham vấn công khai về dự thảo quy định của chính phủ, trong đó dự kiến một số thay đổi về hình phạt. Theo dự thảo quy định sửa đổi, giới chức sẽ phạt các nhà cung cấp hệ thống điện tử tư nhân (ESP) từ chối tuân thủ yêu cầu của nhà nước về việc gỡ bỏ nội dung “bị cấm” trên các nền tảng kỹ thuật số, trong đó có các mạng xã hội.

Hình phạt sẽ được tính toán dựa vào một số tham số, bao gồm hệ thống điểm và quy mô công ty. Chính sách mới cũng dự kiến sử dụng cái gọi là “chỉ mục vi phạm”, bao gồm loại nội dung, số lượng tiếp cận người dùng, và thời gian nội dung xấu độc lưu lại trên các nền tảng sau khi có yêu cầu gỡ bỏ. Chẳng hạn, mức phạt tiền đối với các công ty dự kiến sẽ dao động từ 12,5 triệu rupiah đến 1,5 tỷ rupiah. Các nền tảng giao dịch kỹ thuật số, truyền thông và công cụ tìm kiếm, cũng như các công ty xuất bản nội dung nghe nhìn, văn bản hoặc tương tác cũng sẽ buộc phải tuân thủ các điều khoản mới.

Các nội dung trên dự kiến sẽ bổ sung Quy định số 71/2019 của chính phủ về việc áp dụng các hệ thống và giao dịch điện tử, trong đó yêu cầu các công ty kỹ thuật số tư nhân gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật hoặc “gây rối trật tự công cộng”. Cụ thể, các nội dung cấm được Kominfo gắn cờ với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng hoặc người dân sẽ phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ. Nội dung vi phạm pháp luật nghiêm trọng - như phim ảnh khiêu dâm trẻ em, kích động khủng bố hoặc gây rối - sẽ phải được gỡ bỏ trong vòng bốn giờ.

Các ESP tư nhân không tuân thủ lệnh của chính phủ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm phạt tiền và chặn truy cập vào trang web. Các công ty không trả tiền phạt, hoặc từ chối cung cấp dữ liệu người dùng cho các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể bị chặn quyền truy cập trang web.

Trong khi giới chức khẳng định rằng các điều khoản này nhằm mục đích hạn chế các nội dung nguy hiểm và thông tin sai lệch, sự kiểm duyệt theo quy định mới làm dấy lên lo ngại có thể hạn chế hơn nữa quyền tự do ngôn luận.

Giám đốc điều hành Mạng lưới Tự do Biểu đạt Đông Nam Á (SAFEnet) Damar Juniarto cho rằng thời gian ngắn mà các công ty sẽ phải xác minh nội dung bị gắn cờ trước khi bị phạt có thể làm tăng khả năng tự kiểm duyệt. Về phần mình, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Vận động Chính sách (ELSAM) Wahyudi Djafar cũng cho rằng quy định mới không định nghĩa rõ ràng về các nội dung bị cấm, điều này có thể cho phép lạm dụng quyền chặn nội dung.

Theo số liệu phân tích của viện nghiên cứu này, Indonesia là một trong những quốc gia thường xuyên yêu cầu xóa nội dung trên Google. Năm 2021, chính phủ Indonesia đã đệ trình 305 yêu cầu gỡ bỏ đối với 254.461 nội dung khỏi công cụ tìm kiếm này. Theo báo cáo của Google, hầu hết các khiếu nại của Indonesia tập trung vào các phát biểu kích động thù địch, tiếp đó là các hàng hóa và dịch vụ được quản lý. Một báo cáo minh bạch của Meta cũng cho thấy Facebook đã nhận được 63 yêu cầu cung cấp thông tin của 136 bộ dữ liệu người dùng từ Indonesia vào năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục