Indonesia thảo luận về tăng cường kho dự trữ gạo ASEAN+3

07:00' - 02/05/2023
BNEWS Nhằm tăng cường an ninh lương thực trong dài hạn, ASEAN sẽ phát triển ngành nông nghiệp và lương thực mạnh mẽ thông qua việc thúc đẩy số hóa, đổi mới tài chính, tăng cường khả năng ứng phó khí hậu...
Indonesia đã tham gia thảo luận về việc tăng cường hệ thống quản lý kho dự trữ gạo khu vực nhằm dự phòng tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai ở châu Á trong khôn khổ diễn đàn Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 (APTERR).

Trong một tuyên bố ngày 30/4, Giám đốc Phân phối và Dự trữ thuộc Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) Rachmi Widiriani cho rằng ASEAN cần thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác nhằm đảm bảo sự ổn định về an ninh lương thực trong khu vực.

 
Phát biểu tại diễn đàn APTERR được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, ông Rachmi nhấn mạnh vai trò quan trọng của APTERR trong việc đảm bảo an ninh lương thực khu vực, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai và đại dịch COVID-19.

Theo ông Rachmi, tăng cường an ninh lương thực khu vực cũng phù hợp với sáng kiến của Indonesia, Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023, qua việc thúc đẩy dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Rachmi khẳng định rằng APTERR có thể hỗ trợ an ninh lương thực ở ASEAN và Đông Á, bằng cách tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo chuỗi cung ứng và hậu cần thông suốt, đồng thời đẩy nhanh vận chuyển nông sản và lương thực từ thượng nguồn đến hạ nguồn.

Nhằm tăng cường an ninh lương thực trong dài hạn, ASEAN sẽ phát triển ngành nông nghiệp và lương thực mạnh mẽ thông qua việc thúc đẩy số hóa, đổi mới tài chính, tăng cường khả năng ứng phó khí hậu và nâng cao năng lực của các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng khuyến khích phát triển hệ thống cảnh báo sớm nhằm dự phòng các điều kiện an ninh lương thực trong tương lai. Hệ thống này không chỉ tập trung vào khía cạnh sản xuất lương thực mà còn xem xét các biến động giá lương thực, nguồn cung đầu vào nông nghiệp, tình hình tiêu thụ lương thực và các yếu tố khác.

Ông Rachmi cho rằng hệ thống cảnh báo sớm này sẽ có thể hỗ trợ việc triển khai APTERR, giúp diễn đàn này nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh việc giải phóng kho dự trữ gạo. Hệ thống cảnh báo sớm này có thể được phát triển thông qua Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN (AFSIS).

APTERR là nhóm công tác trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và 3 nước đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc), tập trung vào phát triển nguồn dự trữ lương thực nhằm tăng cường an ninh lương thực khu vực.

Mục tiêu chính của APTERR là thúc đẩy an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và giảm tình trạng suy dinh dưỡng trong khu vực song không làm biến dạng thương mại bình thường. Mục tiêu chung của APTERR là đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực ASEAN+3./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục