Indonesia thúc đẩy chế biến than khi sản lượng khai thác tăng cao kỷ lục

08:48' - 23/01/2024
BNEWS Chính phủ Indonesia đang theo đuổi chính sách bắt buộc các công ty khai thác than vận hành các nhà máy chế biến địa phương sau khi sản lượng than hàng năm đạt kỷ lục mới vào năm 2023.

Chính sách công nghiệp hạ nguồn của Indonesia nhằm hạn chế xuất khẩu than thô đồng thời buộc các nhà sản xuất phải đưa ra chương trình xử lý trong nước rõ ràng vào năm 2025.

Việc hình thành các nhà máy chế biến than trong nước trở thành điều kiện bắt buộc đối với những công ty than muốn được chính phủ gia hạn giấy phép.

Chương trình công nghiệp hạ nguồn cũng yêu cầu tận dụng than trong các ngành công nghiệp khác như dimethyl ether, metanol, khí tổng hợp, hydro và amoniac.

Tuy nhiên, có rất ít tiến triển kể từ khi chương trình được đưa ra vào năm 2022.

 

Vụ trưởng giám sát kinh doanh than của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, bà Lana Saria cho biết: “Các công ty có kế hoạch sản xuất khác nhau và chưa có công ty nào bắt đầu chương trình này”.

Bà nói thêm: “Một số công ty đã phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất hạ nguồn và đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi hoặc tìm kiếm đối tác kinh doanh”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, Arifin Tasrif, cho biết sản lượng than quốc gia đã đạt 775 triệu tấn vào năm 2023, mức sản lượng hàng năm cao nhất trong lịch sử. Trong đó, 213 triệu tấn được sử dụng cho các nhà máy điện trong nước, số còn lại dành cho thị trường xuất khẩu. Trong 4 năm qua, sản lượng than của Indonesia tăng trưởng ổn định, từ 564 triệu tấn (năm 2020) đã tăng lên 614 triệu tấn (năm 2021) và 687 triệu tấn (năm 2022).

Theo Bộ trưởng Arifin: “Đà tăng trưởng trong sản xuất than là do nhu cầu ngày càng tăng của ngành điện khi chúng tôi bổ sung thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than”. Trên thực tế, sự gián đoạn trong nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu cũng thúc đẩy nhu cầu sử dụng than của Indonesia làm nguồn năng lượng thay thế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục