Italy: Người về hưu bị bần cùng hóa do khủng hoảng kinh tế

19:44' - 07/12/2015
BNEWS 4/10 người về hưu ở Italy, tương đương với 6,5 triệu dân nước này, có mức lương hưu dưới 1.000 euro/tháng, một khoản thu nhập quá ít ỏi trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế ở Italy vẫn tiếp diễn.

Những số liệu về năm 2014 mà Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) vừa công bố, cho thấy thực trạng về cuộc sống của những người già tại nước này, nhiều trong số đó sống độc thân và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Thu nhập của người về hưu tại Italy đang thấp hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt bình quân. Ảnh: Reuters

Theo thống kê của ISTAT và Cơ quan phúc lợi xã hội quốc gia Italy (INPS), năm ngoái, tổng số người lĩnh lương hưu của Italy là 16,3 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số nước này và ít hơn năm trước đó 130.000 người.

Năm 2014 cũng ghi nhận một điều khá đặc biệt, cho thấy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế lên người già ở Italy như thế nào: số người mới lĩnh lương hưu lần đầu có mức thu nhập trung bình ít hơn mức lương hưu của số người già mới qua đời (13.965 euro so với 15.356 euro).

Trong khi đời sống của người già Italy trở nên kém đi thì chi phí cho lương hưu lại tăng lên, đồng nghĩa với việc dân số già đi đang trở thành một gánh nặng cho ngân sách.

Năm ngoái, Italy đã chi 277 tỷ euro cho lương hưu, tăng 1,6% so với năm trước đó và chiếm 17,17% GDP. Đó cũng là lý do tại sao Italy đang tiến hành cải cách về quỹ lương hưu, đồng thời nâng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh áp lực cho quỹ phúc lợi xã hội.

Hồi tháng 3/2015, INPS đã tuyên bố kể từ tháng 1/2016, tuổi nghỉ hưu của người lao động nam ở Italy sẽ tăng thêm 4 tháng, lên 66 tuổi 7 tháng, trong khi của lao động nữ là 65 tuổi 7 tháng.

Trước đó, vào năm 2010, Chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đã đưa ra một quyết định về việc cứ ba năm, INPS, Bộ Lao động và Bộ Kinh tế sẽ xem xét lại về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Điều đó có nghĩa là đến năm 2019, các cơ quan hữu quan sẽ lại xem xét khả năng tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu để điều chính mức chi của các quỹ lương hưu, vốn đang phình ra.

Tháng 11/2015, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Italy đã đạt 118,4 điểm, cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Reuters

Theo tính toán của INPS, nếu tuổi thọ trung bình của người Italy tiếp tục tăng, vào năm 2050, rất có thể tuổi về hưu của người lao động Italy sẽ là 70 tuổi.

Cũng theo ISTAT, trong một báo cáo đưa ra vào cuối tháng trước, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Italy đã đạt 118,4 điểm trong tháng 11/2015, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập, phân tích và công bố các số liệu liên quan đến chỉ số của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào đầu năm 1995.

Chỉ số niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục tăng nhẹ, đạt 107,1 điểm, tăng 0,1% so với tháng 10 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2007. Niềm tin của người tiêu dùng được cho là một thước đo quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, niềm tin của người tiêu dùng tăng đồng nghĩa với việc họ sẽ chi nhiều hơn là khi họ bi quan và thất vọng trước tình hình kinh tế của đất nước.

Một chỉ số khác cũng khẳng định việc Italy dần thoát khỏi khủng hoảng. ISTAT cho biết trong báo cáo sơ bộ của mình rằng, tăng trưởng GDP của nền kinh tế thứ ba khu vực đồng euro này trong quý III/2015 đã tăng 0,2% so với quý trước đó và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2014 (thấp hơn 0,1% so với ước tính ban đầu).

Trước đó, Chính phủ Italy đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 0,9% trong năm 2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mục tiêu này có thể sẽ không đạt được, do nhiều nguyên nhân: sau vụ tấn công ở Paris, chủ nghĩa khủng bố có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa, khi nỗi lo ngại khiến người tiêu dùng ít ra ngoài chi tiêu và mua sắm hơn, trong khi khó khăn về kinh tế của nhiều nước có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Italy./.

Trương Anh Ngọc (TTXVN tại Roma)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục