JETRO: Nhật Bản sẵn sàng hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

17:55' - 12/09/2023
BNEWS Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và cơ quan chính phủ khác của Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực môi trường, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và tàn phá môi trường.

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước tiến vượt bậc. Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) để có cái nhìn rõ hơn về những tiến bộ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong tương lai, phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh toàn cầu.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế?

Ông Nakajima Takeo: Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Tuy nhiên, do tình hình sau chiến tranh ở Việt Nam, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa phát triển thực chất.

Từ năm 1995, các doanh nghiệp Nhật Bản mới bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Đây là thời kỳ bùng nổ đầu tư đầu tiên, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam vào giữa thập niên 1990. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, bắt đầu từ năm 1997, làm suy yếu sức mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dẫn đến sự chuyển dịch đầu tư của Nhật Bản sang Trung Quốc, lúc này đang nổi lên là trung tâm sản xuất của thế giới.

Đến năm 2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo ra sự chú ý trên trường quốc tế về cơ hội và tiềm năng mới, từ đó thu hút làn sóng đầu tư của Nhật Bản quay trở lại với Việt Nam. Đây là đợt bùng nổ đầu tư thứ hai. Từ năm 2012, thời điểm sau "cú sốc" ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng tốc và đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực, ghi nhận đợt bùng nổ đầu tư thứ ba.

Tại Việt Nam, Nhật Bản hiện đứng thứ ba về giá trị đầu tư, thứ hai về số lượng dự án và thứ nhất về số lượng dự án đầu tư được thực hiện.

Trong giai đoạn bùng nổ ban đầu, hầu hết các khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đều rót vào các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Sau đó, nhiều công ty dịch vụ của Nhật Bản, hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ thương mại, khách sạn, dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ thông tin, đã tham gia thị trường này.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Nhật Bản, cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về hiệu quả và năng lực kinh doanh của Việt Nam. Các công ty như FPT, CMC, Rikkei và nhiều công ty CNTT khác đã mở chi nhánh tại Nhật Bản từ 10 năm trước, khi Nhật Bản thiếu hụt nguồn lực công nghệ cao.

Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển hơn, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu hướng vào thị trường nội địa. Sau 10 năm hợp tác, thương mại hàng hóa giữa hai nước đã tăng gấp đôi. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 toàn cầu và lớn thứ hai trong ASEAN. Ngược lại, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Có thể khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng không thể thiếu của Nhật Bản trong việc tạo dựng mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp. Các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu linh kiện và nguyên liệu sang Việt Nam. Từ đây, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lắp ráp và xuất khẩu  trở lại Nhật Bản các sản phẩm hoàn thiện. Chúng ta đã chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển giao quy trình tạo giá trị gia tăng cho Việt Nam.

Phóng viên: Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, Trong bối cảnh đó, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các khoản đầu tư, bao gồm cả những lĩnh vực đầu tư tiềm năng mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm trong tương lai?

Ông Nakajima Takeo: Theo khảo sát của JETRO năm 2022, 60% các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam báo cáo thu được lợi nhuận. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam ngay cả trong đại dịch COVID-19. Số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam cũng đạt một tỷ lệ tương tự, cao nhất trong số các công ty Nhật Bản hoạt động tại ASEAN.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng Việt Nam là điểm đến FDI được ưa thích thứ hai của doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ sau Mỹ. Đây là năm thứ sáu liên tiếp Việt Nam đứng ở vị trí này. Một kết quả mà tôi cho là rất ấn tượng.

Về triển vọng đầu tư trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ chuyến hướng đầu tư từ các khu vực đô thị lớn, sang các thành phố ngoại ô. Điều này có thể được giải thích là do chi phí tại các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng hiện khá cao. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản cố gắng đầu tư vào các vùng nông thôn hoặc ngoại thành để tiết kiệm chi phí.

Cũng vì chi phí tăng lên, nên khả năng sẽ có sự nội địa hóa nhiều hơn trong hoạt động thu mua nguyên liệu đầu vào, cấu trúc nhân sự, quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này đã và đang xảy ra. Các doanh nghiệp Nhật Bản cố gắng tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam.

Hơn nữa, chúng tôi sẽ đầu tư vào việc tăng thêm giá trị trong sản xuất, chống lại sự gia tăng của chi phí. Các công ty Nhật Bản đang hướng tới việc mở rộng thượng nguồn và hạ nguồn trong sản xuất. Trong đó, hoạt động thượng nguồn bao gồm mua sắm nguyên liệu và hạ nguồn là tiếp thị, quảng bá, giao hàng hoặc các dịch vụ khác.

Nhật Bản đang nỗ lực đưa chuỗi cung ứng trở nên tích hợp hơn nữa, bao gồm cả xu hướng chuyển giao sản xuất từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản sang Việt Nam, để cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian giao hàng.

Chúng tôi cũng tập trung vào chuyển đổi số vì CNTT và kỹ thuật số là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam.

Cùng hướng tới trọng tâm này, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp là xu hướng mới của các nhà đầu tư Nhật Bản. Có rất nhiều công ty Nhật Bản quan tâm tới các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Các công ty này được đánh giá là nhiều tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, trò chơi và cơ sở hạ tầng.

Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong các lĩnh vực, như năng lượng, giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính. Nhật Bản cũng đã trải qua những vấn đề tương tự, như thiếu hụt năng lượng và ùn tắc giao thông. Vì vậy, chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với Chính phủ Việt Nam.

Cuối cùng, khi thị trường tiêu dùng đã đạt được mục tiêu, để đáp ứng và phục vụ tầng lớp trung lưu và người giàu ngày càng tăng của Việt Nam, các công ty Nhật Bản đã đầu tư nhiều hơn, nhằm nắm bắt cơ hội.

Trong 5 năm gần đây, các hộ gia đình Việt Nam ngày càng sở hữu các thiết bị điện tử cao cấp, như máy điều hòa không khí, máy giặt và tủ lạnh. Người dân chi tiêu nhiều hơn vào thực phẩm, giáo dục, du lịch, chăm sóc sức khỏe và giải trí. Thực phẩm, đồ gia dụng, đồ dùng trẻ em, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và thực phẩm chế biến sẵn của Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Phóng viên: Chính phủ hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác, hướng tới tăng trưởng xanh. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các cam kết và kế hoạch thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới?

Ông Nakajima Takeo: Lượng phát thải khí nhà kính (GHG) và khí CO2 của Việt Nam đã tăng trong 20 năm qua. Và hiện nay, tỷ lệ khí GHG và CO2 của Việt Nam đã chạm mức 15% trong ASEAN. 20 năm trước, con số này chỉ là 10%. Hàng năm, Việt Nam thải ra nhiều khí GHG và CO2 hơn các quốc gia khác.

Vì vậy, còn rất nhiều không gian cần phải cải thiện, bao gồm bảo vệ môi trường, bảo tồn năng lượng và năng lượng tái tạo (RE), cũng như khuôn khổ pháp lý và thực thi pháp luật.

Nhật Bản có thể giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề này, vì các doanh nghiệp của chúng tôi có những sản phẩm và dịch vụ về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, như đèn LED, quản lý tòa nhà, máy điều hòa không khí, nông nghiệp công nghệ cao... Hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của chúng tôi cũng rất mạnh, có thể kể đến Marubeni trong lĩnh vực xử lý nước thải, Toyota Tsusho và Hhukunaga Engineering trong lĩnh vực xử lý rác thải, hay Nagase trong hệ thống báo cáo phát thải khí nhà kính.

Việt Nam cũng cần nhiều năng lượng tái tạo hơn, như phát triển năng lượng sinh khối, nước, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản; trong đó có EREX, JFE Engineering và Toyota Tsusho đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các cơ quan chính phủ khác của Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực môi trường, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và tàn phá môi trường.

Việt Nam đã đưa ra nhiều khuôn khổ pháp lý, nhưng việc lồng ghép và thực hiện các chính sách đó trong hoạt động doanh nghiệp còn tồn tại một số vướng mắc.

JETRO là thư ký hỗ trợ dự án DX châu Á, nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các dự án thử nghiệm chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm các doanh nghiệp xanh. Hàng chục dự án đã được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tài chính. Hiện có khoảng 10 dự án đang được triển khai tại Việt Nam; trong đó một số dự án sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giảm ô nhiễm và khí thải từ các phương tiện vận tải hoặc tự động hóa.

Có thể nói, các dự án xanh hơn là một trong những trụ cột quan trọng của dự án DX châu Á. Ngoài ra, chúng tôi còn là thư ký của dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chúng tôi hỗ trợ tài chính cho một số dự án có sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhằm tăng cường chuỗi cung ứng. Có thể kể đến một số dự án nhắm tới mục tiêu bảo vệ, tăng tính hiệu quả và bảo tồn môi trường.

Chúng tôi cũng thực hiện kết nối kinh doanh và tổ chức triển lãm thương mại về các doanh nghiệp xanh. JETRO có tổ chức một số sự kiện trưng bày các sản phẩm xanh của Nhật Bản và chúng tôi đã mời nhiều người mua Việt Nam cũng như các cơ quan chính phủ đến tham quan và kết nối thương mại.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục