Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững đến năm 2030

12:39' - 07/07/2017
BNEWS Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030.
Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững đến năm 2030. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 7/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ môi trường, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương và các yếu tố khác. Điều này thể hiện rõ trong kế hoạch hành động của Chính phủ.

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được Thủ tướng ban hành vào tháng 5/2017. Đây là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đẩu tư Nguyễn Thế Phương, Kế hoạch được xây dựng dựa trên quá trình tham vấn rộng rãi của tất cả bên liên quan.

Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030. Đặc biệt kế hoạch nhấn mạnh vai trò của tất cả bên liên quan, từ các bộ ngành, địa phương đến tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030.

“Thời gian tới, để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung vào hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ. Nâng cao nhận thức các cấp ngành và toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện hiệu quả và thành công mục tiêu phát triển bền vững sẽ đem lại bước tiến đáng kể trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về tài chính, bên cạnh huy động nguồn lực trong nước, Việt Nam cầm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, kế hoạch hành động này là dấu mốc quan trọng của Việt Nam. Một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc đưa mục tiêu phát triển bền vững trong thực hiện, phản ánh cũng như cam kết quốc tế.

“Các cơ quan Liên Hợp Quốc cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”, ông Kamal Malhotra nói.

Ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Chính phủ Đức đã coi Chương trình nghị sự 2030 cũng như các chính sách về khí hậu và năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Ông Christian Berger đánh giá Kế hoạch hành động là “công cụ quan trọng hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược của Chính phủ Đức với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt – Đức, và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, nhu cầu và nguồn lực cần thiết gồm đầu tư để hoàn thiện các trạm y tế xã, cơ sở y tế khó khăn, bệnh viện chuyên khoa phong, tâm thần. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cơ sở y tế.

Bảo đảm đủ ngân sách nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội. Có chính sách tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ phù hợp để thu hút cán bộ y tế có chuyên môn cao về vùng núi, vùng khó khăn.

Bộ Y tế cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm y tế từ năm 2019. Theo đó, Luật quy định mức đóng tối đa 6% nhưng chúng ta đang đóng 4,5%.

Bộ Y tế đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là điều chỉnh với mức 0,3% năm, cụ thể: năm 2019 là 4,8%; năm 2020 là 5,1%...và tới năm 2024 là 6%. Phương án 2 là điều chỉnh mức 0,5%/năm, bắt đầu năm 2019 là 5%; năm 2020 là 5,5% và 2021 là 6%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục