Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN - 10 năm một chặng đường

21:17' - 10/11/2020
BNEWS Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN - đã có bài viết về Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC).

 

Nhân dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan từ 9-15/11/2020, Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN- đã có bài viết về Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC), một Kế hoạch quan trọng và dài hạn của ASEAN ra đời từ năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, và kỷ niệm 10 năm phát triển vào đúng năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. MPAC ra đời nhằm thúc đẩy và xây dựng kết nối trong nội khối ASEAN, cũng như kết nối giữa ASEAN với các đối tác, với khu vực và thế giới.

Tháng 10/2010, các nhà lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố Hà Nội để thông qua MPAC (2010-2020) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 2015, để đồng bộ với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch Tổng thể đến năm 2025 xây dựng cộng đồng 3 trụ cột của ASEAN, các nước ASEAN quyết định dừng giai đoạn 1 ở đúng nửa chặng đường, và xúc tiến xây dựng Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN giai đoạn tiếp theo, từ năm 2016-2025, hay còn gọi là MPAC 2025, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại Lào tháng 9/2016.

Trong giai đoạn 1 từ 2010-2015, MPAC đặt ra số lượng lớn trọng tâm và sáng kiến, dẫn đến dàn trải nguồn lực trong triển khai thực hiện. Sau 5 năm triển khai, đã có 39/125 sáng kiến thuộc 19 chiến lược trọng tâm được các nước ASEAN hoàn thành. Giai đoạn 2 từ 2016-2025 (MPAC 2025), đa số các sáng kiến chưa hoàn thành của Giai đoạn 1 được chuyển sang các trụ cột khác của ASEAN, chủ yếu là Kinh tế và Văn hoá-Xã hội.

MPAC 2025 tập trung vào số lượng trọng tâm phù hợp hơn, với 15 sáng kiến trong năm lĩnh vực chiến lược: cơ sở hạ tầng bền vững; sáng tạo số; kho vận liên thông; tối ưu hóa hoạch định và dịch chuyển con người.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, dù gặp nhiều khó khăn do bối cảnh đại dịch COVID-19, MPAC 2025 vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực chiến lược Cơ sở hạ tầng bền vững, các dự án trong Danh sách các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.

Khuôn khổ về nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được thông qua vào tháng 6/2020 với chương trình tăng cường năng lực cấp khu vực trong giai đoạn 2021-2023. Việc xây dựng các mạng lưới thành phố nhằm triển khai Chiến lược Đô thị hóa bền vững ASEAN (ASUS) cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Dự án “Phát triển Cơ sở dữ liệu mở ASEAN” trong lĩnh vực chiến lược “Đổi mới số” dự kiến chuyển sang giai đoạn triển khai trong tháng 9/2020. Dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu ASEAN về các tuyến thương mại và khuôn khổ nhằm tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng” trong lĩnh vực chiến lược “Kho vận liên thông” đã hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 7/2020, và dự kiến kết thúc vào cuối năm nay.

Dự án “Tăng cường nền tảng số du lịch ASEAN” trong lĩnh vực chiến lược “Dịch chuyển người dân” dự kiến chuyển sang giai đoạn triển khai cuối năm nay.

MPAC, MPAC 2025 và Kết nối ASEAN vẫn luôn được coi là ưu tiên của Việt Nam, được thể hiện rõ nhất tại ưu tiên thứ hai trong 05 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tại nước ta, hoạt động hiệu quả nhất là nhóm các sáng kiến trong lĩnh vực “Cơ sở hạ tầng bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử đại diện tham dự.

Về các lĩnh vực và sáng kiến khác, sự tham gia của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào mức độ quan tâm của các cơ quan chuyên ngành phụ trách các lĩnh vực tương ứng. Dù các dự án trong khuôn khổ MPAC 2025 vẫn mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, nhưng quy mô hoạt động và nhận thức của các Bộ ngành của ta về MPAC 2025 những năm gần đây đang có xu hướng bị thu hẹp, cán bộ đầu mối của các Bộ ngành không được cử hoạt động chuyên trách mà thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác.

Cũng trong năm nay, Việt Nam với tư cách Chủ tịch Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC), đã thực hiện Kiểm điểm giữa kỳ (MTR) đánh giá tình hình triển khai MPAC 2025 để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 thông qua vào tháng 11/2020, và ra mắt cùng MTR của Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng đến năm 2025 của 03 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội của ASEAN.

Như vậy, Việt Nam đã để lại hai dấu ấn đậm nét trong lịch sử cũng như quá trình triển khai của MPAC, vào năm 2010 với sự ra đời của MPAC giai đoạn 1 tại Hà Nội, và năm 2020 với việc thực hiện Kiểm điểm giữa kỳ (MTR) MPAC 2025.

Trong thời gian tới, dựa trên các khuyến nghị của MTR MPAC 2025, để triển khai hiệu quả hơn nữa các dự án, sáng kiến trong nửa sau của MPAC 2025, ta cần củng cố cơ chế phối hợp của các cơ quan chuyên ngành trong nước với nhau và với các nước ASEAN; tăng cường nhận thức trong nước về Kết nối ASEAN nói chung và MPAC 2025 nói riêng.

Có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn để bảo đảm các dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh để ảnh hưởng đến tình hình triển khai chung tại các nước ASEAN; tiếp tục kêu gọi các đối tác của ASEAN tài trợ nhiều hơn cho các dự án trong khuôn khổ MPAC 2025.

Đầu năm 2020 đến nay, khu vực và thế giới đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn như đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên trên toàn cầu,… ASEAN và các đối tác nhất trí rằng các sáng kiến trong khuôn khổ MPAC 2025 có tác động tích cực về kinh tế-xã hội và ngày càng chứng tỏ khả năng thích ứng với các xu hướng đang nổi của khu vực, đặc biệt thích hợp và tương hỗ với Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu COVID-19.

Kết nối ASEAN hiện đã trở thành vấn đề thiết yếu trong kế hoạch phục hồi của khu vực trong đại dịch COVID-19, cũng như giúp tăng cường năng lực ứng phó của các nước ASEAN đối với các đại dịch trong tương lai. Cụ thể, các sáng kiến của MPAC 2025 có thể giúp hỗ trợ phục hồi về tăng trưởng kinh tế và việc làm từ các sáng kiến, dự án về đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, quảng bá du lịch, các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động thất nghiệp…

Tăng cường năng lực quản lý khủng hoảng y tế trong tương lai, đồng thời giúp cá nhân và doanh nghiệp có vị thế vững vàng hơn để ứng phó với các tác động về kinh tế của dịch bệnh, trong đó có COVID-19, từ các sáng kiến, dự án về đô thị hóa bền vững, cơ sở dữ liệu mở, số hóa hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng các dịch vụ tài chính…

Trong bối cảnh tình hình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động với các vấn đề đa chiều phức tạp, Kết nối ASEAN và MPAC có vai trò ngày càng tăng và luôn được đưa vào nghị trình của các nước ASEAN và các nước đối tác, đặc biệt khi ASEAN ngày càng chú trọng xử lý các vấn đề liên ngành, liên trụ cột.

Báo cáo MTR của MPAC 2025 không chỉ đóng vai trò quan trọng giúp ASEAN triển khai nửa tiếp theo của MPAC hiệu quả hơn, mà còn đóng góp thiết thực cho việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN hậu 2025. Theo khía cạnh này, có thể nhận định rằng Kết nối ASEAN đang trở thành Trụ cột thứ tư của ASEAN, giúp khâu nối ba Trụ cột truyền thống là Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục