Kering lên kế hoạch thúc đẩy thương hiệu tại Trung Quốc​

11:15' - 08/06/2022
BNEWS Tập đoàn chuyên về mặt hàng xa xỉ Kering cho biết sẽ đưa ra kế hoạch để khôi phục lại doanh số bán hàng của thương hiệu Gucci trong tuần này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng thị trường Trung Quốc.

Tập đoàn chuyên về các mặt hàng xa xỉ của Pháp Kering cho biết sẽ đưa ra kế hoạch để khôi phục lại doanh số bán hàng của thương hiệu Gucci trong tuần này, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, vốn là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các thương hiệu xa xỉ phẩm.

 

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao thị trường Trung Quốc, dự kiến trở thành thị trường lớn nhất trong lĩnh vực xa xỉ vào năm 2025, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt kể từ tháng 3/2022 đối với nhu cầu thời trang và phụ kiện cao cấp.

Kering đã thuê cựu giám đốc điều hành của Tiffany Laurent Cathala để điều hành các hoạt động tại Trung Quốc cho Gucci, thương hiệu mang lại một nửa doanh thu cho tập đoàn.

Các nhà phân tích cho biết ông Cathala dự kiến sẽ hỗ trợ các nhóm hoạt động tại Trung Quốc, giúp họ nắm bắt các hoạt động tiếp thị và quảng cáo, một động thái bất thường trong ngành thời trang, khi mà các chiến lược quảng cáo thường do các giám đốc điều hành tại châu Âu như Paris hoặc Milan chỉ đạo.

Theo Leaf Greener, một nhà tư vấn thương hiệu cao cấp tại Thượng Hải, việc trao quyền cho các đơn vị hoạt động tại Trung Quốc được xem là yếu tố quan trọng trong bối cảnh việc hiểu rõ văn hóa và nhu cầu của khách hàng địa phương ngày càng trở nên quan trọng.

Ông Greener cho hay các thương hiệu chưa quan tâm đúng mức đến việc làm thế nào để xây dựng cầu nối văn hóa. Việc sử dụng người nổi tiếng để bán sản phẩm không còn tạo ra được hiệu ứng mong muốn như trước đây nữa.

Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp kích thích của chính phủ, để khôi phục nền kinh tế sau khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa liên quan đến dịch COVID-19, có thể không đủ để thúc đẩy sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng.

Gucci đã chịu nhiều thiệt hại hơn các đối thủ như Louis Vuitton hay Hermes thuộc sở hữu của LVMH trong quý I/2022 do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Cổ phiếu của Kering đã giảm 26% kể từ đầu năm so với mức giảm 16% của tập đoàn LVMH nhờ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này đa dạng hơn.

Giám đốc tài chính Jean-Marc Duplaix cho biết hoạt động kém hiệu quả của Gucci một phần là do thương hiệu này tiếp xúc với thị trường Trung Quốc đại lục nhiều hơn so với một số đối thủ cạnh tranh. Công ty dịch vụ tài chính Barclays ước tính nhãn hàng này tạo ra khoảng 35% doanh thu hàng năm ở Trung Quốc cho Kering, so với mức 27% từ mảng thời trang và hàng da của LVMH và 26% của Hermes.

Dưới thời Giám đốc điều hành Marco Bizzarri và Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele, lợi nhuận của Gucci đã tăng gần 4 lần và doanh thu tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2015-2019.

Phần lớn doanh thu của thương hiệu cho đến gần đây đều nhờ vào những người mua sắm trẻ của Trung Quốc khi đi du lịch đến các kinh đô thời trang của châu Âu.

Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chậm lại do lượng khách quốc tế bị đóng băng trong thời kỳ đại dịch, làm dấy lên câu hỏi Kering có thể làm những gì để thúc đẩy doanh số bán hàng. Gucci đã mở rộng sang lĩnh vực trang điểm và đồ gia dụng để thu hút thêm nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng đang hợp tác với thương hiệu đồ thể thao Adidas.

Các nhà phân tích của Jefferies dự đoán doanh số bán đồ xa xỉ tại Trung Quốc sẽ giảm 15% trong nửa đầu năm, nhưng sau đó sẽ tăng khoảng 11% vào nửa cuối năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục