Kết luận việc xử lý vi phạm hạn chế cạnh tranh của công ty Ánh Dương

20:49' - 23/02/2017
BNEWS VP Hội đồng Cạnh tranh vừa có kết luận xử lý vụ việc vi phạm hạn chế cạnh tranh số 14 KN HCT 01, liên quan tới hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường kinh doanh du lịch đón khách quốc tế.

Trước đó, ngày 28/3/2016, Hội đồng Cạnh tranh đã tiếp nhận Hồ sơ và Kết luận điều tra của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) điều tra chính thức vụ việc hạn chế cạnh tranh của công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ - xuất nhập khẩu Ánh Dương (có trụ sở tại số 42, Lô E, 40 đường Bà Huyện Thanh Quan ở phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) trên cơ sở khiếu nại của Công ty AB Tours (có trụ sở tại 21, khu Biệt thự 86B Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Theo đơn khiếu nại, công ty Ánh Dương là đối tác của Tập đoàn Pegas Touristik (trụ sở ở số 21 phố Hannover, thành phố London, Vương quốc Anh) đã ký hợp đồng độc quyền sử dụng phòng với các khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang và đảo Phú Quốc phục vụ du khách Nga đến Việt Nam.

Qua nghiên cứu hồ sơ, tiến hành xác minh và lấy lời khai các bên liên quan, phân tích xác định thị trường và các chứng cứ chủ yếu, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh đã xác định: Thị trường liên quan trong vụ việc là thị trường dịch vụ lữ hành đối với khách Nga, Ukraine và các nước khác trong khối CIS vào Việt Nam ở tất cả các điểm du lịch trên toàn quốc. Tại thời điểm điều tra (năm 2013), bên bị điều tra có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan với thị phần 51,6%.

Theo kết luận của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, công ty Ánh Dương có vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ lữ hành đối với khách Nga, Ukraine và các nước khác trong khối CIS vào Việt Nam tại tất cả các điểm du lịch trên toàn quốc.

Tuy nhiên, Công ty Ánh Dương đã có hành vi buộc doanh nghiệp khác (là các khách sạn) phải chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Bởi, đối tượng của hợp đồng cung cấp phòng chính là dịch vụ lưu trú, được thực hiện thông qua việc thuê phòng khách sạn.

Đây là hành vi được quy định tại Khoản 2, Điều 30, Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ và bị cấm tại Khoản 5, Điều 13 của Luật Cạnh tranh.

Ngoài ra, công ty Ánh Dương đã có hành vi ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới, như yêu cầu các khách sạn chỉ được nhận đặt phòng cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS bay bằng chuyên cơ hay chuyến bay thuê bao riêng của Công ty Ánh Dương đến Cam Ranh, Đà Nẵng.

Công ty Ánh Dương đã ngăn cản việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh mới. Đây là hành vi được quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ và bị cấm tại Khoản 6, Điều 13 của Luật Cạnh tranh.

Với những kết luận như trên, đồng thời Công ty Ánh Dương đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm và Công ty AB Tours đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định, Công ty Ánh Dương phải chịu nộp phạt 50 triệu đồng (mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh).

Theo Hội đồng Cạnh tranh, quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động du lịch lữ hành đón khách quốc tế và hoạt động xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam. Quá trình điều tra và xử lý vụ việc đã được các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và công luận rất quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Hành vi của công ty Ánh Dương là hành vi không phù hợp với pháp luật cạnh tranh, có khả năng làm hạn chế đáng kể cạnh tranh trên thị trường, giảm động lực sáng tạo và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Qua thực tế và quá trình điều tra và xử lý nhiều vụ việc liên quan tới tranh chấp thương mại của doanh nghiệp cho thấy, pháp luật cạnh tranh và quyết định của Hội đồng Cạnh tranh không chỉ có hiệu lực đối với các doanh nghiệp liên quan, mà còn tác động tích cực nhiều mặt đến cơ cấu thị trường, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của môi trường cạnh tranh.

Qua đó, thể hiện sự nghiêm khắc và có tính răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh, cũng như buộc các doanh nghiệp phải xem xét, cẩn trọng khi tiến hành các quyết định kinh doanh có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Theo Hội đồng Cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh ngày càng chứng tỏ là công cụ pháp lý hiệu quả để Nhà nước quản lý thị trường, mà vẫn đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục