Kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất - kinh doanh và bất động sản

12:00' - 19/06/2020
BNEWS Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn điều chỉnh, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Thời cơ vàng trong vận hội mới cũng là chủ đề chính của Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Tạp chí Thương gia phối hợp tổ chức ngày 19/6 tại Hà Nội. 

Diễn đàn là cơ hội chia sẻ, giao lưu, kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và bất động sản; đồng thời là dịp để lắng nghe các chuyên gia trong ngành bàn luận, trao đổi về những xu hướng mới của thị trường bất động sản công nghiệp, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã cơ bản khống chế thành công dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch VNREA cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch COVID-19. Cùng đó là các yếu tố “ghi điểm” như Việt Nam là môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực…

Năm 2019, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Bằng chứng là trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, bất chấp những khó khăn chung của thị trường và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ - ông Hà khẳng định.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng.

Viện Trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh phân tích, đến thời điểm này, dù không ít quốc gia đã thảo luận công khai về kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, diễn biến dịch COVID-19 ở bình diện toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng. Thậm chí, thảo luận về đợt dịch thứ hai đang trở nên phổ biến hơn. Những diễn biến này đã tác động không nhỏ đến chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, qua đó tác động đến quá trình dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Do đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, thậm chí thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ. Điều này tạo cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng – bà Minh nhận xét.

Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng đang đặt ra là phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó chú trọng phát triển hạ tầng khu công nghiệp bởi nó xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư đang hiện diện hoặc mong muốn rót vốn vào Việt Nam.

Ông Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến cuối tháng 5 năm 2020, cả nước có 561 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp trong quy hoạch với tổng diện tích khoảng 201.000 ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước). 

Định hướng phát triển khu công nghiệp trong tương lai cần tăng về số lượng nhưng quy mô phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành… Bên cạnh đó, phải hình thành hệ thống khu công nghiệp nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia.

Đặc biệt, phải thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng và phát triển khu công nghiệp – ông Trung nhấn mạnh.

Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp; tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả quy hoạch khu công nghiệp; đổi mới mô hình khu công nghiệp hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước khu công nghiệp.

Dưới một góc nhìn khác, ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế phía bắc cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Chính vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.

Muốn phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, các chuyên gia cho rằng cần giải quyết một số tồn tại.

Cụ thể là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các địa phương cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Tại diễn đàn còn diễn ra 3 phiên thảo với các chủ đề: Khu công nghiệp thế hệ mới - Mô hình tất yếu cho bất động sản công nghiệp Việt Nam; Chủ động trước "cơ hội vàng" thu hút vốn FDI và Giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục