Kết nối hãng tàu - doanh nghiệp có hàng container qua cảng Chân Mây

21:03' - 24/11/2023
BNEWS Cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối các nước Myanmar, Thái Lan, Lào.

Chiều 24/11, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Công ty cổ phần Cảng Chân Mây tổ chức hội nghị Kết nối hãng tàu - doanh nghiệp có hàng container qua cảng Chân Mây.

 

Phát biểu khai mạc tại hội nghị Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Văn Tuệ cho biết: Cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối các nước Myanmar, Thái Lan, Lào rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực; tạo động lực thúc đẩy phát triển, nâng cao vị thế cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Để đẩy mạnh phát triển khu cảng Chân Mây trở thành khu cảng lớn, đầu mối giao thương quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp hạ tầng cảng biển và các hãng tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ mang lại tiện ích tốt nhất cho các khách hàng.

Đồng thời, phối hợp cùng với Ban quản lý, các sở, ban, ngành để tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp; hỗ trợ kết nối các hãng tàu trong và ngoài nước nghiên cứu mở tuyến vận chuyển mới, tăng tần xuất hàng hóa qua cảng Chân Mây.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về tình hình xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây; những thuận lợi khó khăn trong khai thác hàng container qua cảng. Nhiều đại biểu cho rằng, việc khai thác hàng container qua cảng Chân Mây đang gặp một số khó khăn như một số doanh nghiệp đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng nên còn ngại thay đổi; giữa các doanh nghiệp, hãng tàu và các công ty logistics chưa có sự liên kết, hợp tác nhất định; thu hút nguồn hàng khó khăn do suy giảm thương mại toàn cầu cũng như trong nước; lượng hàng container, số chuyến tàu nội địa, quốc tế vẫn còn ít; tần suất các chuyến tàu đi/đến cảng vẫn còn thấp,...

Đại diện các doanh nghiệp, hãng tàu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm khai thác hiệu quả dịch vụ hàng container qua cảng Chân Mây như: các sở, ban, ngành cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi trong việc hưởng các chính sách; tăng cường quảng bá hình ảnh, truyền thông, vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh luân chuyển hàng container qua cảng Chân Mây.

Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực xếp dỡ, thông quan hàng hóa tại cảng; rút giảm các chi phí liên quan; nghiên cứu mở thêm các tuyến hàng container trong nước và quốc tế; gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ cho hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây; tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các bến cảng; hoàn chỉnh hạ tầng logistics từng bước phát triển cảng Chân Mây theo quy hoạch.

Sau hơn 1 năm triển khai dịch vụ hàng container, cảng Chân Mây đã thu hút được 65 chuyến tàu vận chuyển container; trong đó có 44 chuyến nội địa và 21 chuyến quốc tế; với sản lượng thông qua là 7.370 TEUs, tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, cảng sẽ đón thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế, với sản lượng lên 1.716 TEUs, tương đương khoảng 28.350 tấn hàng hóa.

Đồng thời, triển khai làm hàng đã diễn ra khá tốt và an toàn, nguồn hàng container xuất nhập qua Cảng Chân Mây khá đa dạng. Ngân sách chi hỗ trợ cho các hãng tàu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng đến hết năm 2023 là khoảng 18 tỷ đồng.

Dịp này, đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Hãng tàu Regional Container Lines (Thái Lan) và Công ty cổ phần Cảng Chân Mây về việc triển khai mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng vào đầu tháng 12/2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục