Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng gặp khó do dịch COVID-19

12:27' - 14/05/2020
BNEWS Ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19. 

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các hướng dẫn vào đầu tháng 3 để các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn; miễn, giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm chống dịch.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động ngân hàng và buộc các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành cho các tổ chức tín dụng, từ đó, giảm chi phí đầu vào, giá vốn để hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn lâu dài thì cũng giải quyết vấn đề nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cho vay tái cấp vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội có nguồn vốn cho vay các đơn vị trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản đảm bảo.

Kết quả, bước đầu, sau hai tháng triển khai quyết liệt, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hành Chính sách Xã hội cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103.000 khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng; cho vay mới đối với gần 517.000 khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là chính sách thiết thực và kịp thời. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó có thể tiếp cận được những hỗ trợ này do thủ tục còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và mức lãi suất vẫn còn cao...

Ông Lê Văn An, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cơ điện xây dựng – Công ty cổ phần chia sẻ, dịch bệnh khiến công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng  nhưng hỗ trợ từ phía ngân hàng chỉ được vài trăm triệu. Theo ông Lê Văn An, mức hỗ trợ này vẫn còn khiêm tốn so với việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Do đó, ông Lê Văn An mong muốn, Ngân hàng Nhà nước có thêm những giải pháp tốt hơn để hỗ trợ tiếp cho doanh nghiệp. 

“Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp như điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay thấp hơn. Nhưng tôi kiến nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có cách giải pháp thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay ở mức dưới 6,5% chứ không phải 9,5-10%”, ông Lê Văn An nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), việc triển khai các chính sách hỗ trợ chậm cũng có một phần nguyên nhân do phải ban hành quy định nội bộ, tập huấn triển khai nhưng do dịch COVID-19 nên việc tập huấn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, thời gian tới khả năng nợ xấu sẽ gia tăng vì dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp sẽ là thách thức với doanh nghiệp trong việc sản xuất ra sao, vay vốn thế nào và bán đi đâu. Do vậy, việc cho vay với khách hàng có thể dẫn đến doanh nghiệp thừa vốn.

“Chúng tôi thấy có hiện tượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn từ 1-2 năm nay, đã nợ xấu nhưng nay lại kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Khẳng định quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng không thiếu vốn miễn là doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thời điểm này, doanh nghiệp cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay.

Để việc hỗ trợ có hiệu quả, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội ngành ngân hàng nên thống kê bao nhiêu doanh nghiệp, ngành hàng nhận được chính sách hỗ trợ. Từ đó, giúp các doanh nghiệp cùng ngành nghề học hỏi và việc hỗ trợ sẽ lan tỏa hơn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu toàn ngành bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Đối với các tổ chức tín dụng,  Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc, theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

Đồng thời, các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của tổ chức tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục