Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp

14:23' - 02/08/2022
BNEWS Ghi nhận tại Tp. Hồ Chí Minh, kết quả kinh doanh tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp dẫn đầu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều ngành đạt chỉ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 đã tạo cơ sở cho doanh nghiệp tung ra chiến lược tăng tốc sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm và kỳ vọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

*Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 53,2%

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 năm 2022 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 53,2% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Cụ thể, đối với ngành công nghiệp cấp II, có 23/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu...

Tương tự, bốn ngành công nghiệp trọng điểm cũng có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 tăng 12,2% so với cùng kỳ. Còn ba ngành công nghiệp truyền thống có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 tăng 8,4% so với cùng kỳ

Riêng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ, gồm: bao bì đóng gói bằng plastic; bia chai, lon; vải; quần áo các loại (trừ quần áo thể thao)... Đặc biệt, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 7 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 47,9% so với cùng kỳ; đồng thời tính chung 7 tháng đầu năm 2022 thì chỉ số lao động giảm 1,9% so với 17 cùng kỳ.

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành có chỉ số lao động tăng tập trung vào những lĩnh vực như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)...

Điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp tại nhiều doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ và tăng tốc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng đã đề ra trong năm 2022.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, Tp. Hồ Chí Minh là nơi tập trung số lượng lớn nhất nước doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở tất cả loại hình quản lý với mức độ tập trung đa dạng mặt hàng sản xuất lên đến 70%.

Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm của Tp. Hồ Chí Minh không chỉ tiêu dùng cho thị trường thành phố mà còn phục vụ thị trường cả nước, cũng như xuất khẩu.

Tính đến thời điểm này, chỉ số sản xuất ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống lấy lại đà tăng trưởng với mức khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021 là một tín hiệu tín cực cho sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nói chung. Đây cũng sẽ là cơ sở cho phép doanh nghiệp kỳ vọng vào sự khởi sắc kinh doanh và bứt phá sản xuất trong những tháng cuối năm 2022.

"Thực hiện chủ trường của Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh về đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, Hội Lương thực Thực phẩm thành phố đang không ngừng nỗ lực thúc đẩy phát triển ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống. Đồng thời, Hội đồng hành cùng các hội viên trong định hướng phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước và khơi thông lại thị trường xuất khẩu", Ông Trương Tiến Dũng chia sẻ thêm.

*Doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh cao

Trong những ngày đầu tháng 7/2022, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 và những đầu năm nay. Cùng với đó, các doanh nghiệp này cũng tung ra chiến lược sản xuất kinh doanh cho những tháng cuối năm với sự quyết tâm vượt thách thức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2022.

Điển hình, Tổng Công ty Bất động sản Công nghiệp Thành Thành Công (TTC IR) đang tạo nên vị thế mới và dần khẳng định thương hiệu TTC trên thị trường bất động sản công nghiệp khu vực phía Nam.

Đơn vị này, với hạt nhân phát triển là khu công nghiệp Thành Thành Công có quy mô 1.020 ha, cùng với cụm công nghiệp Tân Hội 1 quy mô 51,8 ha tọa lạc tại Tây Ninh, khu công nghiệp Tân Kim mở rộng 70,6 ha tại Long An cùng hệ thống kho bãi, nhà xưởng quy mô trên 520.000 m² rộng khắp từ Tây Ninh – Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.

TTC IR còn cung cấp nhiều giải pháp toàn diện cho nhà đầu tư như cho thuê đất khu công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, kho bãi (chứa hàng, quản lý hàng)... Ngoài ra, TTC IR hỗ trợ dịch vụ pháp lý, dịch vụ cảng thủy nội địa, dịch vụ logistics trọn gói giúp và cung cấp đầy đủ các dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC cho rằng, xuyên suốt hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển với tinh thần "Vì cộng đồng, phát triển địa phương", TTC luôn tâm niệm sứ mệnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển phải cân bằng với lợi ích của xã hội. 

Trên chặng đường sắp tới, TTC cam kết tiếp tục mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên; đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa giữa chiến lược kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Đây cũng chính là những giá trị cốt lõi đã thấm sâu và lan tỏa trong đạo đức và văn hóa kinh doanh của Tập đoàn TTC.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) cũng công bố doanh thu thuần hợp nhất quý II/2022 đạt 881 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 354 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,2% và 12,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, BCG đã ghi nhận 2.133,9 tỷ đồng doanh thu và 877,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng trưởng lần lượt là 47,4% và 81,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu của BCG đến chủ yếu từ những mảng hoạt động lõi như mảng xây dựng - hạ tầng, năng lượng tái tạo, sản xuất... Nhờ vào các nỗ lực tăng vốn và các chỉ số về đòn bẩy tài chính của BCG ngày một cải thiện rõ rệt, giảm thiểu rủi ro tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đai diện BCG cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, BCG chủ trương tiếp tục huy động vốn từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, BCG vẫn bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh, với kỳ vọng nửa cuối năm sẽ là thời điểm tăng tốc và bùng nổ, hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Để Tp. Hồ Chí Minh giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, là trung tâm khoa học công nghệ, văn hóa xã hội của cả nước, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, có vai trò đóng góp của các Tập đoàn kinh tế lớn. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh không chỉ kỳ vọng các Tập đoàn kinh tế lớn phát huy vai trò đầu ngành, mà sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những đơn vị này đóng góp vào kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực là một động lực quan trọng cho tốc độ phát triển những năm tiếp theo. Số lượng và quy mô đã tăng đáng kể, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh được cải thiện, đặc biệt những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, quản trị tốt.

Điều này góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, tạo diện mạo và vị thế mới trên trường quốc tế, hướng đến đạt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55% vào năm 2025, như nội dung của Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục