Khắc phục bão số 2: Gần 39.000 ha lúa bị ngập cơ bản đã được cứu

13:24' - 18/07/2017
BNEWS Diện tích lúa, hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 là gần 49.300 ha; 7.320 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 390 ha và 59 ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
 Người dân xử lý mái tôn bị gió thổi bay. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, diện tích lúa, hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 là gần 49.300 ha; 7.320 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 390 ha và 59 ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Cụ thể, diện tích lúa bị ngập gần 38.800 ha (nhiều nhất ở Nam Định, Nghệ An, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…). Diện tích hoa màu bị ngập gần 10.500 ha (chủ yếu tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hòa Bình…)

Bên cạnh đó, có gần 39.000 ha cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị gãy, đổ, giảm năng suất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến thời điểm này diện tích lúa bị ngập cơ bản đã cứu được. Còn diện tích rau màu nào cơ bản không khắc phục được thì địa phương phải tổ chức sản xuất ngay. Đối với gia súc, gia cầm bị chết, các địa phương phải xử lý môi trường tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường không để dịch bệnh lây lan trong mùa mưa lũ này.

Mưa bão số 2 cũng đã làm 400m kè bị sạt lở (Nghệ An), 7.415m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng (Nghệ An: 7.080m; Thanh Hóa: 305m).

Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, mực nước các hồ chứa đang ở mức thấp; trong đó các hồ chứa khu vực Bắc bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế; các hồ chứa khu vực Bắc Trung bộ đạt 55-65% dung tích thiết kế, riêng các hồ thuộc Thanh Hóa mới đạt trung bình 35% dung tích thiết kế.

Có 2 hồ chứa có cửa van đang xả nước là hồ Đá Hàn (Hà Tĩnh) do chưa hoàn thành hệ thống kênh sau đập; hồ Núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 200 m3/s để đảm bảo an toàn hồ.

Hiện có 82 hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng là trọng điểm về an toàn đập, các địa phương đã triển khai phương án và sẵn sàng vật tư, phương tiện để đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương tổng rà soát các hồ chứa, công trình thủy lợi, các công trình đê điều, đặc biệt ở khu vực xung yếu phải được kiểm tra, rà soát lại để có biện pháp bổ sung kịp thời trong xử lý.

“Đặc biệt lưu ý sự vận hành của quy trình liên hồ chứa trên hệ thống các sông Đà, sông Hồng…, bởi năm nay có sự rất khác biệt so với mọi năm. Phải sử dụng biện pháp vận hành của quy trình liên hồ chứa để đảm bảo cắt lũ đúng tâm điểm của mùa mưa bão”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sẽ tiếp tục họp để đưa ra phương án vận hành liên hồ chứa phù hợp với tình hình của năm nay để đảm bảo an toàn cho công trình, đảm bảo an toàn cho người dân và trong sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục