Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Hướng tới nghề cá có trách nhiệm

17:51' - 23/04/2018
BNEWS Việc EU áp dụng "thẻ vàng" cũng là một áp lực để chúng ta cải thiện lại nghề cá; hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Hôm nay kết thúc thời hạn 6 tháng (23/10/2017 đến 23/4/2018) mà EU đưa ra cho Việt Nam khắc phục các khuyến nghị nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thuỷ sản khai thác.

Với việc hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt việc quản lý tàu cá khai thác, nâng mức xử phạt đối với hành vi khai thác bất hợp pháp, nâng cao nhận thức của ngư dân, doanh nghiệp về IUU,… là những giải pháp mà Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản xuất xuất khẩu hải sản tập trung thực hiện, nhằm lấy lại “thẻ xanh”; đồng thời, hướng tới một nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Việc EU áp dụng thẻ vàng vì tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý đã tác động thế nào đến thủy sản Việt Nam trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Có thể thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua, việc EU áp dụng "thẻ vàng" đã ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản khai thác của Việt Nam.

Cụ thể, đối với tất cả các lô hàng thuỷ sản khai thác xuất khẩu sang EU thì sẽ bị kiểm tra 100% các hồ sơ xuất khẩu vì liên quan đến truy xuất nguồn gốc và chống khai thác bất hợp pháp.

Và mỗi đợt kiểm tra các hồ sơ đó thì phải lưu kho, lưu bãi... Ước tính mỗi một container mất khoảng 7.000 Euro. Ngoài ra, nếu lô hàng đó liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp thì sẽ bị trả lại. Do đó, điều này gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản.

Bên cạnh đó, việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành khai thác hải sản của Việt Nam và còn có những tác động gián tiếp khác, vì châu Âu là một thị trường lớn trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

BNEWS: Thời hạn đưa ra cho Việt Nam khắc phục "thẻ vàng" đã kết thúc. Vậy xin ông cho biết, đến thời điểm này, những nỗ lực Việt Nam trong việc chống khai thác bất hợp pháp đã mang lại những kết quả như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Từ khi EU áp dụng "thẻ vàng", Việt Nam đã triển khai rất nhiều các gỉai pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách; đặc biệt là hiện trạng khai thác bất hợp pháp của tàu cá và ngư dân đã giảm rất rõ rệt.

Hiện nay, tất cả các vi phạm tại các quốc đảo Thái Bình Dương chỉ còn 1 vụ; còn 11 vụ tàu của ngư dân vi phạm tại các vùng biển giáp ranh, chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước khác.

Có thể nói đây là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc khắc phục thẻ vàng của EU.

BNEWS: Theo ông, doanh nghiệp có trách nhiệm gì trong việc EU áp dụng "thẻ vàng" với ngành thuỷ sản Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Đối với doanh nghiệp, đây là những thực thể mà có lợi ích xuất khẩu thì trách nhiệm của doanh nghiệp là khi mua sản phẩm hải sản sẽ cam kết không mua những loại hàng khai thác bất hợp pháp và có nguồn gốc rõ ràng và có truy xuất nguồn gốc.

Như vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải cùng với ngư dân và các cơ quan quản lý có trách nhiệm trong việc gỡ "thẻ vàng" của EU.

Hiện nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đã có rất nhiều các hoạt động như: kêu gọi các doanh nghiệp cam kết không thu mua các sản phẩm hải sản khai thác bất hợp pháp; ra "sách trắng" công bố các tàu cá vi phạm để các doanh nghiệp không mua hải sản của các tàu này...

BNEWS: Việc thủy sản Việt Nam bị EU tuýt còi là rào cản, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là sức ép buộc chúng ta phải thay đổi, phải thích nghi với những điều kiện ngặt nghèo của thế giới. Ông có nhận định gì về ý kiến này?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Tôi cũng đồng tình với quan điểm này, hiện nay việc EU áp dụng "thẻ vàng" cũng là một áp lực để chúng ta cải thiện lại nghề cá; hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Đối với 9 khuyến nghị mà EC đưa ra hiện nay đều có ý nghĩa đối với nghề cá của Việt Nam. Hiện các khuyến nghị này đã được đưa vào Luật Thuỷ sản và sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2019.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 78, chúng ta có Kế hoạch hành động quốc gia trong việc ngăn chặn và chống khai thác bất hợp pháp trong giai đoạn đến 2025.

Và chúng ta xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục cho nghề cá trong giai đoạn tới, đây cũng là áp lực để cải thiện nghề cá.

BNEWS: Để tránh những vụ việc tương tự cũng như hướng đến mục tiêu nghề cá có trách nhiệm thì chúng ta cần phải có những giải pháp lâu dài nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với việc quản lý tàu cá, hiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên trong giai đoạn tới cần phải hoàn thiện việc này để quản lý tàu cá, đặc biệt là tàu cá khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, quy hoạch lại đội tàu cá phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản.

Đồng thời, tăng cường truy xuất nguồn gốc, ghi chép có báo cáo, theo các quy định của các tổ chức nghề cá trong khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý thuỷ sản địa phương đang tiến tới cấm và chấm dứt hoàn toàn việc khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng có rất nhiều các biện pháp tới tận ngư dân và cộng đồng địa phương trong việc chống khai thác bất hợp pháp./.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục