Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Doanh nghiệp thủy sản chung tay lấy lại "thẻ xanh"

09:29' - 18/04/2018
BNEWS Nếu thị trường EU ngừng nhập khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam thì rất dễ xảy ra hiệu ứng "domino" ra các thị trường khác.
Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Nhận thức rõ sự cần thiết của việc tuân thủ các quy định từ thị trường EU, thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, cùng chung tay với ngành thủy sản thành phố triển khai nhiều biện pháp chống khai thác IUU để lấy lại "thẻ xanh" cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng, phần lớn sản lượng khai thác của các tàu cá được bán cho các doanh nghiệp để chế biến xuất khẩu. Trước việc thủy sản bị rút "thẻ vàng" sẽ khiến sản phẩm khai thác bị tiêu thụ chậm, hạ giá thành gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì hoạt động sản xuất của ngư dân cũng như doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm các thị trường khác ngoài EU, do các thị trường khác cũng sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU rút "thẻ vàng"; chi phí tăng cao và rủi ro tổn thất do hàng bị từ chối, trả lại.

Cụ thể, trong thời gian bị "thẻ vàng", 100% container hàng hải sản xuất khẩu qua EU của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian kiểm tra có thể kéo dài từ 3-4 tuần/container, riêng chi phí kiểm tra nguồn gốc là 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.

Kể từ khi EC công bố rút "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản, Công ty TNHH MTV đồ hộp Hạ Long-Đà Nẵng cảm thấy rất lo lắng, bởi 80% sản phẩm cá ngừ đóng hộp của công ty được xuất sang thị trường EU.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV đồ hộp Hạ Long-Đà Nẵng cho biết, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu nên việc xuất khẩu thủy sản của công ty sang thị trường EU vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, công ty cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, bởi hàng cá ngừ sọc dưa tại Đà Nẵng chỉ đáp ứng được khoảng 70-80%, buộc công ty phải nhập hàng từ Bình Định.

Theo ông Bình, công ty đang gặp khó khăn trong việc lấy nhật ký khai thác tàu của ngư dân, dẫn đến thời gian xác nhận trễ, khó làm hồ sơ xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh. Việc lấy được nhật trình khai thác tại chỗ đã khó, việc lấy từ địa phương khác còn khó hơn bởi để có được những giấy tờ này thì phải qua rất nhiều khâu.

Ông Bình cho rằng, một trong những lo ngại lớn nhất khi hải sản Việt Nam khi bị "thẻ vàng" từ EC đó chính là uy tín, hình ảnh, chất lượng của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường khác cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác rất e ngại với sản phẩm bị phạt theo quy định IUU.

Nếu thị trường EU ngừng nhập khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam thì rất dễ xảy ra hiệu ứng "domino" ra các thị trường khác. Do vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cùng sự đồng hành của ngư dân để cùng với doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn này.

Dự đoán thị trường xuất khẩu sang EU sẽ gặp nhiều khó khăn, đầu năm 2017, Công ty cổ phần Khang Thông (Đà Nẵng) đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường Algeria (châu Phi) và thị trường Thái Lan (châu Á).

Ông Lê Bá Luân, Giám đốc Công ty cổ phần Khang Thông cho biết, trước đây, 40% hàng hải sản của công ty được xuất sang thị trường Tây Ban Nha và Anh, còn lại được xuất sang thị trường Algeria và thị trường một số nước châu Á. Hiện xuất khẩu hải sản của công ty sang thị trường châu EU chỉ chiếm trên 10%, còn lại chủ yếu là thị trường Algeria.

Lý giải về việc công ty chuyển hướng sang thị trường châu Phi, ông Luân cho rằng, hiện tất cả các container hải sản xuất sang thị trường EU phải bắt buộc có giấy chứng nhận khai thác hải sản, trong khi đó phía thị trường châu Phi lại không yêu cầu vấn đề này.

Cũng giống như Công ty TNHH MTV đồ hộp Hạ Long - Đà Nẵng, mặc dù nằm tại Trung tâm nghề cá của miền Trung nhưng Công ty Khang Thông cũng đang phải đối mặt với "bài toán" thiếu nguyên liệu.

Theo ông Luân, đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, có ngày công ty chỉ thu được 200 kg cá ngừ sọc dưa. Để duy trì mặt hàng xuất khẩu, công ty phải nhập mặt hàng này từ Khánh Hòa về để sản xuất. Đến nay, Công ty chỉ xuất khẩu một mặt hàng duy nhất là cá sọc dưa sang các thị trường này.

Ông Luân hi vọng vụ cá Nam sắp tới nguồn nguyên liệu sẽ dồi dào.

Mặc dù, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng công ty luôn đồng hành cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cam kết chống khai thác IUU.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự đồng hành của ngư dân, ngành thủy sản của Việt Nam sẽ lấy lại được "thẻ xanh" từ EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục