Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Khắc phục điểm yếu để thủy sản lấy lại thẻ xanh

16:15' - 25/09/2019
BNEWS Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU đã bị tác động rõ rệt.

Sau 2 năm bị EU cảnh báo thẻ vàng do không đáp ứng các quy định của về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề, cộng đồng doanh nghiệp chế biến hải sản và các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực khắc phục các điểm yếu theo khuyến nghị của EU nhưng việc Việt Nam lấy lại được thẻ xanh IUU vẫn gặp khá nhiều khó khăn.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/9.

* Xuất khẩu giảm sút

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, thủy sản là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trung bình 3 năm qua đạt từ 7- 8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt từ 7-15%/năm.

Ngành thủy sản không chỉ tạo việc làm cho gần 5 triệu lao động thường xuyên mà còn luôn gắn chặt với lực lượng ngư dân, nông dân, góp phần đảm bảo sinh kế người dân và an ninh quốc phòng.

Kiên Giang quản lý chặt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: TTXVN

Theo đó, EU là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và chiếm trên 17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước trong 3 năm qua.

Các mặt hàng hải sản khai thác biển luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang EU với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 350-400 triệu USD/năm, tương đương 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang EU.

Tuy nhiên, từ ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU đã bị tác động rõ rệt, kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2017 đạt gần 415 triệu USD thì đến năm 2018 chỉ còn gần 390 triệu USD, giảm 6,5%.

Trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu hải sản vào EU tiếp tục chững lại và chỉ đạt 251 triệu USD. EU từ vị trí là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5, tỷ trọng của thị trường EU cũng sụt giảm từ 18% xuống còn 13%.

Các doanh nghiệp phân tích, thẻ vàng IUU đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản sang EU và kéo theo sau là ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.

Cụ thể, xuất khẩu hải sản sang EU sẽ giảm do khách hàng tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định IUU nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam. Trong thời gian bị thẻ vàng, toàn bộ container hàng hải sản xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc khai thác gây mất thời gian và phát sinh thêm chi phí kiểm tra nguồn gốc và phí lưu cảng. Nhưng rủi ro lớn nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối trả lại, tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản sang EU khi bị thẻ vàng.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, Bình Định là một trong những tỉnh có số tàu thuyền khai thác hải sản lớn ở khu vực miền Trung, phần lớn tàu thuyền đều đánh bắt xa bờ, phục vụ xuất khẩu; trong đó, EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm từ 60-70% kim ngạch xuất khẩu hải sản của Bidifisco nhưng từ khi hải sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU, việc xuất khẩu vào EU cực kỳ khó khăn.

Cụ thể, nếu như trước đây hải sản xuất vào EU được thông quan tự động thì nay bị chặn lại từ cảng để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thông quan kéo dài lên 10 -15 ngày.

Điều này không chỉ phát sinh chi phí lưu cảng, chi phí kiểm tra mà còn ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng, kế hoạch kinh doanh của nhà nhập khẩu.

Sau 2 năm, tỷ trọng xuất khẩu hải sản vào EU chỉ còn 40% tổng giá trị xuất khẩu, đạt khoảng 30 triệu USD/năm, doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường thay thế và tăng chế biến để giải quyết đầu ra.

Cùng ý kiến, ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty Baseafood (Vũng Tàu) cho rằng, thẻ vàng IUU là lực cản lớn nhất đối với việc xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU hai năm qua và thời gian tới; trong đó, chi phí xuất khẩu hải sản vào EU tăng cao khiến hải sản Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác và dần mất ưu thế về thị phần.

Mức độ rủi ro, thiệt hại lớn bởi nếu lô hàng không vượt qua khâu kiểm tra nguồn gốc khai thác thì doanh nghiệp mất trắng chứ không được trả hàng về.

Thẻ vàng IUU cũng khiến nhiều mặt hàng như: tôm khô, ruốc khô Việt Nam mất cơ hội xuất khẩu do không thể làm được giấy chứng nhận khai thác hợp pháp, mặc dù thị trường EU đang có nhu cầu cao.

*Nỗ lực khắc phục

Ngay từ tháng 5/2017, khi có thông tin về khả năng Việt Nam có thể bị nhận thẻ vàng của EU về IUU, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều hoạt động để kịp tuân thủ các yêu cầu của phía EU; trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc sửa đổi Luật Thủy sản, tập trung hướng tới việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp.

Bốc xếp sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Cụ thể là ngăn ngừa việc sử dụng thuốc nổ hủy diệt nguồn lợi biển, sử dụng ngư cụ bị cấm, khai thác các loài hải sản quý hiếm. Đồng thời, tăng cường các cơ chế kiểm tra hoạt động cập cảng của tàu cá nước ngoài tại Việt Nam.

Sau khi EU cảnh báo thẻ vàng với Việt Nam từ 23/10/2017, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng phối hợp triển khai chương trình hành động chống khai thác IUU toàn quốc với mục tiêu không để Việt Nam bị EU “giơ” thẻ đỏ và cao hơn là lấy lại thẻ xanh sớm nhất có thể.

Đến nay, đã có 62 doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU bằng việc tuân thủ nguyên tắc chỉ thu mua hải sản từ những tàu đánh bắt có đầy đủ giấy phép, nhật ký khai thác và chứng nhận của cảng cá.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP cho rằng, cả Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực hết sức mình trong việc chống khai thác IUU. Tuy nhiên, vẫn khó xác định thời gian lấy lại thẻ xanh vào EU cho hải sản Việt Nam do những bất cập trong quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt và ý thức tuân thủ của ngư dân chưa cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, quy định tất cả tàu đánh bắt xa bờ phải gắn thiết bị định vị và giám sát hành trình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, một phần từ kinh phí mua thiết bị, phần khác là do ngư dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ chống khai thác IUU.

Hơn nữa, việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc hải sản chưa được thực hiện đồng bộ do chưa có phần mềm cập nhật thông tin từ tàu cá đến cảng và doanh nghiệp thu mua.

Đại diện chi cục thủy sản các địa phương cũng cho rằng, việc khắc phục thẻ vàng IUU thời gian tới cần tập trung vào việc tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân, nậu vựa về các hoạt động khai thác bất hợp pháp, trong việc việc ghi và nộp nhật ký khai thác; bổ sung công cụ và chế tài hợp lý đối với các trường hợp không tuân thủ.

Đồng thời, cần sớm nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, ngư cụ khai thác, vùng khai thác, cảng cá, sản lượng nguyên liệu hải sản, doanh nghiệp thu mua, chứng nhận khai thác để việc giám sát tuân thủ pháp luật quốc gia, quốc tế đạt được hiệu quả tối đa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục