Khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

15:17' - 24/04/2023
BNEWS Sáng 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Sáng 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”.

 

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu; trong đó, gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có COVID-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao.

Mục tiêu của Hội nghị là xem xét các rào cản, khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm và đề xuất các giải pháp, tập trung vào 4 vấn đề: Mô hình/kiến trúc toàn cầu; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương; các mô hình tiêu thụ và sản xuất; phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững” mà Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực, thực phẩm năm 2021.

"Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp. Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định.

Quan điểm trên cho thấy, Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc xử lý các thách thức an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời mong các quốc gia tăng cường hợp tác, tham gia có trách nhiệm trong vấn đề này.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi, trong đó có dịch COVID-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao.

Dẫn báo cáo của FAO (2020, 2021), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn 3,5 thập kỷ so với kế hoạch.

“Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và bây giờ – chứ không phải lúc nào khác - phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, bà Estrella Esther Penunia, Tổng thư ký Hiệp hội Nông dân châu Á cho biết, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột chính trị đã làm trầm trọng và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của các hộ gia đình.

Bà Estrella Esther Penunia dẫn chứng thực tế ở một số khu vực, người nông dân thậm chí phải bán đất đai, tư liệu sản xuất chính của họ. Những điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe bao trùm cho các bên, nhất là các đối tượng yếu thế. Đồng thời, đảm bảo yếu tố bình đẳng, không bỏ ai lại phía sau, cũng như đảm bảo công bằng cho các bên.

Hiện nay, các quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn cần thêm những nỗ lực mới. Trên thực tế vẫn thiếu sự gắn kết giữa các ngành, khu vực khác nhau về y tế, giáo dục, làm giảm đi hiệu quả của nỗ lực chung. Các quốc gia cần gắn phát triển bền vững với xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, đảm bảo khả năng các vấn đề liên quan tới nông nghiệp như: giống, công nghệ, hỗ trợ tài chính.

Phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc hội nghị, ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO cho rằng, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước.

Ngay sau phần khai mạc, Hội nghị tiến hành ba phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng. Phiên 1 có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ, Christian Hofer và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia, Meles Mekonen.

Phiên 2 có sự tham gia của Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên Động vật Rwanda Ildephonse Musafiri; Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia San Vanty; Tổng thư ký Phát triển Nông nghiệp và Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp Chăn nuôi Thủy sản và Hợp tác xã Kenya Mithika Linturi.

Phiên 3 có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malawi Samuel Kawale; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Ghana Yaw Addo Frimpong; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản, Chuyển đổi Nông thôn, Công nghiệp và Lao động St. Vincent và Grenadines Saboto Caesar./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục