Khai mạc kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

13:43' - 23/06/2021
BNEWS Ngày 23/6, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, cùng các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là bầu các chức danh của HĐND, UBND, Hội thẩm Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo cho chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố nhiệm kỳ mới.

Những người được bầu sẽ đảm đương, gánh vác công việc trong suốt nhiệm kỳ để cùng hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô triển khai, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII...

Đáng chú ý, tại kỳ họp này HĐND thành phố Hà Nội cũng sẽ xem xét thông qua các nghị quyết chuyên đề nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt ở cấp phường khi không tổ chức HĐND và cơ chế chính sách trong công tác phòng, chống dịch bệnh: điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu ngân sách giữa các cấp quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị; một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Với phương châm hoạt động “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả”, HĐND thành phố sẽ thực sự tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. 

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng năm 2021 là năm mở đầu nhiệm kỳ mới, với nhiều cơ hội và cũng không ít khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra phía trước hết sức quan trọng, cấp bách và nặng nề. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mong đợi HĐND, UBND thành phố tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu kỹ, thảo luận dân chủ và lựa chọn bầu được người có đức, có tài, có năng lực để đảm đương, gánh vác các trọng trách trong bộ máy của HĐND và UBND thành phố trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần thảo luận kỹ về nội dung, số lượng, thời gian của các kỳ họp để đảm bảo khoa học, có tính khả thi, bao quát được các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và lượng hóa, dự báo được các vấn đề có thể phát sinh của thành phố trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị HĐND thành phố tiếp tục đổi mới toàn diện hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng kỳ họp, bảo đảm quyết định kịp thời các vấn đề lớn, quan trọng, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển của Thủ đô, có tính khả thi cao để đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống ngay sau khi ban hành.

Công tác giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Đặc biệt, các đại biểu HĐND cần bắt tay ngay vào việc thực hiện Chương trình hành động của mình, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri, kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, ý nguyện của cử tri, xem xét giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của cử tri, nhất là các yêu cầu dân sinh bức xúc; tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp chặt chẽ hoạt động của HĐND với UBND, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cùng các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND thành phố cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hiệu lực hiệu quả, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố và nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội để triển khai, cụ thể hóa các nội dung và tổ chức thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI kế thừa và phát huy những thành quả của các khóa trước, tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đoàn kết, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ lớn lao mà Đảng bộ, nhân dân Thủ đô tin tưởng giao phó.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, tiếp tục tập trung cao độ cùng cả nước thực hiện "mục tiêu kép", vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị mỗi đại biểu HĐND thành phố cần chủ động nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, có những việc phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất, kiến nghị sâu sắc, ý nghĩa, giá trị thiết thực, dám chịu trách nhiệm trước trước cử tri trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ngoài ra, các đại biểu cần liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe ý kiến nhân dân, xứng đáng là đại biểu của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI.

Theo đó, trên cơ sở 165 ý kiến của các cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổng hợp theo 10 lĩnh vực cụ thể. Trong đó, cử tri đề nghị cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng; quản lý việc nhập cảnh người nước ngoài; quan tâm đến chất lượng giáo dục; hỗ trợ phát triển các làng nghề, phát triển du lịch; cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ; tăng cường công tác giám sát của HĐND thành phố...

Trước đó, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Số lượng cử tri đi bầu cử trên địa bàn đạt 99,16%. Hà Nội đã bầu đủ 29 đại biểu Quốc hội, 95 đại biểu HĐND thành phố, đảm bảo theo đúng cơ cấu, thành phần; bầu 1.052 đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã; bầu 10.593 đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục