Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 18 về trang sức tại Việt Nam 2024

13:44' - 08/06/2024
BNEWS Hiệp hội Đá quý Việt Nam cùng một số đơn vị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 18 về trang sức tại Việt Nam 2024 - IJV 2024.
Ngày 8/6, tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phiếu Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (Bộ Công Thương), Hiệp hội Đá quý Việt Nam cùng một số đơn vị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 18 về trang sức tại Việt Nam 2024 - IJV 2024, với sự tham dự của hơn 50 đơn vị đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Diễn ra từ nay đến 11/6, tại IJV 2024 tập trung trưng bày nhiều sản phẩm như kim cương, ngọc bích, hồng ngọc, ngọc lục bảo, đá quý màu, hổ phách, ngọc trai… chất lượng cao đến đa dạng bộ sưu tập trang sức được chế tác từ trang sức vàng, bạc… Bên cạnh đó, một số đơn vị giới thiệu phong phú máy móc, thiết bị, dụng cụ, hóa chất, bao bì phục vụ chuỗi cung ứng, sản xuất trong ngành trang sức.

Ông Phạm Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty Vinexad cho biết, IJV 2024 được kỳ vọng là sự kiện trang sức nổi bật thu hút  doanh nghiệp, doanh nhân và cá nhân trong nước nhận đặt hàng cho mùa cao điểm cưới sắp tới. Đồng thời, những nhà sưu tập tư nhân và khách mời VIP sẽ có cơ hội mua sắm những sản phẩm trang sức để sử dụng cá nhân hoặc làm quà cho người thân.
 
Theo ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Việt Nam, thị trường đá quý của Việt Nam có tiềm năm rất lớn khi sở hữu nguồn tài nguyên, địa chất phong phú, cùng nhiều vùng mỏ đá quý với đa dạng loại hình và chất lượng cao như ruby, sapphire, spinel, aquamarine, topaz… Trong số đó có một số vùng khai thác đá quý nổi tiếng gồm: Quỳ Châu (Nghệ An), Lục Yên (Yên Bái), Gia Lai. Các mỏ đá quý ở Việt Nam được đánh giá có trữ lượng lớn, đáp ứng nhu cầu khai thác lâu dài.

Việt Nam đang ngày càng chú trọng đầu tư vào công nghệ khai thác và chế tác hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Do đó, IJV 2024 là một điểm đến đáng tin cậy trong kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng chương trình đào tạo chuyên môn…, góp phần đảm bảo chất lượng chế tác đá quý ngày càng hoàn thiện hơn, cũng như tăng cường hội nhập thị trường cho cả đơn vị sản xuất, tổ chức, cá nhân trong ngành.

Báo cáo của Hiệp hội Đá quý Việt Nam cũng cho thấy, nhu cầu sử dụng đá quý trong nước ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực trang sức và phong thủy. Riêng ở lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường đá quý sang nhiều quốc gia Nhật Bản, Thái Lan; các nước châu Âu và Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục