Khai thác hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân

09:41' - 16/09/2018
BNEWS Các hộ nông dân ở Vĩnh Phúc đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Trồng rau sạch tại Vĩnh Phúc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay qua quỹ hỗ trợ nông dân, hàng nghìn lượt hộ nông dân ở Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Mô hình hiệu quả

Ông Trần Minh Khai, thôn Vũ Di, xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là hộ được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân cho biết, trước đây gia đình cũng tham gia chăn nuôi nhưng hiệu quả không cao.

Năm 2016, khi được tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, với số tiền hỗ trợ ban đầu là 28 triệu đồng, ông đầu tư sửa sang và mở rộng mô hình chăn nuôi thủy sản.

Bên cạnh đó, ông Khai đã mở rộng đầu tư thêm chăn nuôi lợn. Với diện tích trang trại 2,7 ha, mô hình chăn nuôi của gia đình ông mang lại hiệu quả cao, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu.

Không chỉ gia đình ông Khai, địa bàn huyện Vĩnh Tường có nhiều hộ nông dân phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Quỹ hỗ trợ nông dân bước đầu đáp ứng nguyện vọng thiết thực của nông dân.

Đồng thời, tháo gỡ kịp thời một phần nhu cầu về vốn cho hội viên nông dân đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Huyện Vĩnh Tường đang quản l‎ý gần 10 tỷ đồng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho 295 lượt hộ được vay phát triển sản xuất.

Qua thực tế triển khai, quỹ hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực hiệu quả, giúp nhà nông, nhất là các hộ khó khăn có vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Bình Xuyên những năm qua làm tốt các hoạt động dịch vụ, giải ngân vốn tín dụng nhanh chóng, thuận lợi, hỗ trợ tích cực nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn; trong đó, có nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Là một trong những hộ khó khăn, gia đình chị Nguyễn Thị Bình, thôn Tân An, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ làm nông nghiệp. Dù đã cố gắng khắc phục khó khăn, học tập các hộ khác và chủ động thay đổi phương thức sản xuất nhưng cuộc sống vẫn không khá lên.

Năm 2015, nhờ được tư vấn, chị Bình tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi vịt và được vay 30 triệu đồng từ qũy hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc để mua gần 100 con vịt trời về nuôi thử.

Nhờ sự chịu khó và sự hướng dẫn nhiệt tình của các hộ chăn nuôi đi trước nên đàn vịt của gia đình chị sinh sản, phát triển tốt. Hiện gia đình chị luôn duy trì nuôi gối đàn và tự chủ về con giống với khoảng 1.000 con. Mỗi năm cho xuất từ 3 - 4 lứa vịt. Trừ các khoản chi phí thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Động lực phát triển kinh tế

Theo ông Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Vĩnh Phúc, hiểu được khó khăn và nhu cầu vay vốn làm ăn của người dân, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Để giúp hội viên nông dân đáp ứng đủ điều kiện vay, các cơ sở Hội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ hội nông dân theo đúng hướng dẫn quy định.

Tính đến hết tháng 8/2018, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh Vĩnh Phúc trên 47 tỷ đồng, cho hơn 1.500 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác trên 8,6 tỷ đồng, cho 21 dự án với 224 hộ vay.

Nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh trên 37 tỷ đồng cho 110 dự án với 1.168 hộ vay; nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện và cấp xã vận động trên 1,2 tỷ đồng cho 9 dự án nhỏ với 123 hộ vay.

Ông Trần Duy Hưng cho biết thêm, các dự án vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân thực hiện đúng kế hoạch đề ra, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Trong năm, nhiều mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn như các mô hình sản xuất chuỗi chăn nuôi lợn an toàn trên địa bàn xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc; mô hình trồng bưởi diễn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô; mô hình sản xuất và xây dựng thương hiệu Hợp tác xã rau hữu cơ tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên…

Bên cạnh việc cho vay phát triển sản xuất, Hội nông dân tỉnh Vĩnh phúc chú trọng tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện đúng quy định quản lý quỹ, thu hồi nợ đến hạn… nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn quỹ.

Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, định hướng về thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục