Khai trương hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

12:28' - 19/07/2023
BNEWS Hôm nay, các nhà đầu tư có thể mua bán trái phiếu trên sàn gần như với cổ phiếu thông thường, nhưng theo phương thức thỏa thuận và điểm khác biệt là cơ chế thanh toán T+0.
Sáng 19/7 , Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Như vậy, hôm nay, các nhà đầu tư có thể mua bán trái phiếu trên sàn gần như với cổ phiếu thông thường, nhưng theo phương thức thỏa thuận và điểm khác biệt là cơ chế thanh toán T+0, tức là tiền hay là trái phiếu sẽ về tài khoản của nhà đầu tư ngay lập tức.

Từ một sản phẩm có lãi suất cố định, thường được nhà đầu tư đóng đến hết kỳ hạn thì đến nay trái phiếu riêng lẻ có thể được giao dịch thường xuyên, góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào vận hành đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Tài chính trong việc phát triển thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Đặc biệt, hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động sẽ giúp cho cơ quan quản lý khâu quản lý và người dân, doanh nghiệp sẽ giám sát, nâng cao tính công khai, minh bạch thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mục tiêu phát triển đồng bộ và cân bằng giữa thị trường tài chính và thị trường tiền tệ là một trong những vấn đề hết sức quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và luôn luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển nền kinh tế và thực sự được quan tâm và phát triển trong 5 năm trở lại đây.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất sôi đông, tính đến cuối năm 2022, dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 12,6% GDP, bằng 10% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Cùng với sự phát triển thị trường, Việt Nam cơ bản xây dựng được một khuôn khổ pháp lý, khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn.

 
Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 13% GDP, trong khi đó, các nước trong khu vực như Malaysia là 56%, Singapore là 88% và Thái Lan là 25% GDP.

Trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Số đông các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn thuộc về những ngành khá nhiều rủi ro. Cá biệt, một số doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật công bố thông tin và sử dụng sai mục đích huy động vốn trái phiếu.

Để nâng cao chất lượng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cần ưu tiên các thị trường tập trung, có sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước và sự minh bạch để người dân và doanh nghiệp giám sát, giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định, minh bạch, an toàn và bền vững.

Do đó, việc ra đời hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là hết sức cần thiết, góp phần tạo ra nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn để phát triển đất nước, nhằm giảm phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức liên quan quyết tâm thực hiện hiệu quả.

“Với tinh thần đó, việc khai trương hệ thống giao dịch doanh nghiệp trái phiếu riêng lẻ mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn nhiều việc phải làm ở phía trước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước hết phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp; xây dựng và phát triển thị trường phù với mức độ phát triển nền kinh tế, tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, mở rộng và kết nối với thị trường khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường, thúc đẩy, tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trên thị trường để tổ chức hoạt động và cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của tổ chức và cá nhân tham gia thị trường.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngân hàng than toán là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp.

Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức thị trường hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các đơn vị trong ngành chứng khoán tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin về tình hình thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và tăng cường kiểm soát, xử lý tin không chính thống, sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian, các công ty chứng khoán từ khâu tư vấn phát hành cho đến hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, kiểm soát đối tượng tham gia đầu tư, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công ty chứng khoán.

Cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu, đảm bảo tính công khai minh bạch của thị trường.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển, thể chế và khuôn khổ pháp lý liên tục được hoàn thiện, từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, hệ thống các tổ chức trung gian, các nhà đầu tư tăng nhanh.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho rằng, sự ra đời của hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp.

Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc mua bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và ngân hàng thanh toán Vietcombank có trách nhiệm đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vận hành liên tục, ổn định và an toàn.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank đã chủ động xây dựng hệ thống thanh toán chuyên biệt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trên cơ sở các chuẩn mực thanh toán tiên tiến nhất, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Hệ thống thanh toán này đảm bảo khả năng vận hành thông suốt an toàn toàn và bảo mật. Đáng chú ý hệ thống đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời, thông tin mua bán trái phiếu được cập nhật theo thời gian thực đến từng nhà đầu tư. Đây là yếu tố mới, tạo điều kiện cho dòng vốn nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin giao dịch được quản lý kịp thời, minh bạch và hiệu quả.

Theo quy chế giao dịch, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) được thực hiện thông qua thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (công ty chứng khoán). Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ nhận lệnh giao dịch từ thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cơ chế giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp là giao dịch thỏa thuận. Với cơ chế này, các nhà đầu tư phải tìm hiểu thông tin đầy đủ và xác nhận trước khi mua. Cơ chế thanh toán tương tự thị trường phái sinh là thanh toán tức thời và thanh toán cuối ngày.

Về thời gian giao dịch, HNX tổ chức giao dịch trái phiếu riêng lẻ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ lễ. Thời gian giao dịch cụ thể gồm 2 phiên: phiên sáng (9h00 - 11h30), phiên chiều (13h00 - 14h45).

Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch để thực hiện giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhà đầu tư mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư đúng đối tượng giao dịch theo quy định.

Quy chế giao dịch thỏa thuận trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Đơn vị khối lượng giao dịch là 1 trái phiếu. Khối lượng giao dịch tối thiểu là 1 trái phiếu.

Giao dịch trái phiếu riêng lẻ là giao dịch mua bán thông thường áp dụng phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo nguyên tắc các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận, thống nhất các nội dung giao dịch. Giao dịch thỏa thuận được xác lập khi bên mua và bên bán nhập lệnh giao dịch vào hệ thống giao dịch và bên đối ứng xác nhận lệnh giao dịch này.

Có hai phương thức giao dịch thỏa thuận gồm: Thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường. Đối với phương thức thỏa thuận điện tử, thành viên giao dịch nhập lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn vào hệ thống hoặc sự lựa chọn các lệnh đối ứng phù hợp đã được nhập vào hệ thống để thực hiện giao dịch.

Còn với thỏa thuận thông thường, bên mua và bên bán tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện giao dịch từ trước và báo cáo kết quả giao dịch trái phiếu riêng lẻ để xác lập giao dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục