Khánh Hòa đưa bưởi da xanh thành cây trồng chủ lực

15:39' - 19/08/2018
BNEWS Khánh Hòa luôn đặt vấn đề phát triển các loại cây trồng thuộc thế mạnh của địa phương trong đó có bưởi da xanh.
Khánh Hòa luôn đặt vấn đề phát triển các loại cây trồng thuộc thế mạnh của địa phương; trong đó có bưởi da xanh. Ảnh: TTXVN

Thủ phủ bưởi da xanh huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa nổi tiếng bởi đây không chỉ là loại cây ăn quả thông thường mà là quả đem lại kinh tế cao cho người canh tác. Những năm gần đây, loại cây này được người dân phát triển mạnh về số lượng và cả chất lượng sản phẩm.

Trong các chương trình hành động phát triển kinh tế của tỉnh, Khánh Hòa luôn đặt vấn đề phát triển các loại cây trồng thuộc thế mạnh của địa phương; trong đó có bưởi da xanh.

Gần đây, tỉnh đã đưa bưởi da xanh vào danh sách một trong 5 cây chủ lực kinh tế của tỉnh để hỗ trợ các chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khâu thủy lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm phát triển thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách đầu tư… hướng đến mục tiêu đưa các địa phương; trong đó có huyện miền núi Khánh Vĩnh trở thành nơi chuyên canh cây ăn quả nói chung và cây bưởi da xanh nói riêng.

Toàn huyện Khánh Vĩnh có hơn 500 ha bưởi da xanh (tính đến hết năm 2017); trong đó có hơn 30 ha bưởi được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGap. Bưởi da xanh được trồng tập trung nhiều ở các xã Khánh Nam, Khánh Đông, Khánh Trung…, bởi nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khá phù hợp.

Sau 3 đến 4 năm trồng, cây sẽ cho thu hoạch và kéo dài trong 10 năm. Giống bưởi da xanh do chăm sóc bài bản sẽ cho ra quả quanh năm, quả ra nhiều nhất là khoảng tháng 7 trở đi. Năng suất trung bình đạt từ 1 - 1,2 tạ/ cây.

So với những loại bưởi khác, bưởi da xanh có chất lượng ngon như: mọng nước, vị ngọt thanh, trái to, tỷ lệ đậu quả trên 60%. Với giá thị trường bình quân từ 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg, nếu chăm sóc đúng quy cách, 1 ha bưởi da xanh mỗi năm nông dân sẽ có thu nhập từ trăm triệu đồng trở lên.

Thu nhập với hơn 30 triệu đồng/tháng và khoảng 400 triệu đồng/năm nhờ 2 ha cây bưởi da xanh, giờ đây gia đình ông Phùng Văn Thông (thôn A Xây, xã Khánh Nam) hiện là một trong những gia đình khá giả nhất tại địa phương. Trước đó (năm 1994), khi từ Cao Bằng vào vùng đất Khánh Vĩnh lập nghiệp với hai bàn tay trắng, cuộc sống của gia đình ông Thông rất khó khăn.

Không có đất, ông phải đi làm thuê mướn để tích lũy vốn. Có vốn, ông mua được đất để trồng mía rồi đến trồng cây keo và giờ là cây bưởi da xanh, cho hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó cuộc sống gia đình ông ổn định hơn.

“Tôi thấy làm kinh tế mình phải tìm hiểu thị trường, bưởi da xanh hợp với khí hậu Khánh Vĩnh, cho quả ngon mà nhiều người thích nên mình nhân giống lên để trồng”, ông Thông nói.

Không chỉ một mình ông Thông mà rất nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện thoát nghèo đến làm giàu rất nhanh chóng, hiệu quả chỉ bằng cây bưởi da xanh. Từ đó, trong họ nung nấu ý chí đưa bưởi da xanh vươn ra thị trường lớn hơn.

Nhiều hộ trồng bưởi da xanh tại đây thay vì trồng bưởi theo kiểu truyền thống, họ đã bắt đầu chuyển sang trồng theo tiêu chuẩn VietGap, để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của sản phẩm. Nông dân trồng bưởi theo quy trình này cho biết, để trồng được 1 ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, nhà vườn phải đầu tư từ 300 đến 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Long, một người đang trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn xã Khánh Đông của huyện cho biết, việc áp dụng quy trình VietGap đòi hỏi các khâu rất khắt khe và tốn công sức từ khi trồng đến giai đoạn thu hoạch. Trong giai đoạn chăm sóc, phải chú ý đến quá trình bón phân, làm cỏ, tỉa cành, tưới nước cho đều đặn thì năng suất mới cao.

Bên cạnh đó, không được phun thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tăng cường quét vôi trắng xung quanh gốc, cộng với các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học khác. Khi thu hoạch, quả bưởi phải đạt các tiêu chí như: vị ngọt thanh, vỏ mỏng, có màu xanh đậm và tươi, nếu không giá của quả bưởi này cũng không cao hơn bưởi da xanh trồng theo kiểu truyền thống là bao.

Do đó cũng như ông Nguyễn Xuân Long, nhiều nhà vườn khác mong muốn các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh quảng bá, thiết lập kênh tiêu thụ vững chắc cho sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh nói chung, bưởi da xanh VietGap Khánh Vĩnh nói riêng để sản phẩm của nhà vườn bán có giá hơn.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, các hộ tham gia trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGap được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật theo một dự án được tài trợ... Bắt đầu trồng thử nghiệm từ năm 2016 theo quy trình này, đến nay cây bưởi nơi đây phát triển tốt, hiện đang ở giai đoạn vươn cành, tạo tán.

“Hiện nay, chưa thể so sánh được bưởi trồng theo quy trình VietGap với không phải VietGap vì chỉ mới bước đầu. Chúng tôi đang cùng với bà con cố gắng khẳng định cái tên và thương hiệu bưởi da xanh VietGap trước đã sau đó mới đặt vấn đề với các chỗ thu mua, thương lái”, ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho hay.

Từ đầu năm đến nay huyện Khánh Vĩnh đang phối hợp với cơ quan chức năng và các hộ trồng bưởi thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, trước mắt thực hiện trên diện tích 170 ha của 35 hộ trồng bưởi ở địa phương./.

>>> Trồng bưởi da xanh giúp đồng bào Raglai nâng thu nhập

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục