Trồng bưởi da xanh giúp đồng bào Raglai nâng thu nhập

09:54' - 12/03/2018
BNEWS Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, bởi bưởi da xanh đang mở ra một hướng đi mới trong tư duy đột phá làm kinh tế của đồng bào vùng cao.
Vườn bưởi da xanh tại xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh nên nhiều hộ đồng bào Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có nguồn thu nhập khá. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, bởi bưởi da xanh đang mở ra một hướng đi mới trong tư duy đột phá làm kinh tế của đồng bào vùng cao.

Tại xã Phước Bình, ông Pi năng Chiên (63 tuổi, ở thôn Bạc Rây 1) là một trong những người tích cực chuyển đổi từ trồng bắp, lúa trên đất rẫy kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh cho giá trị kinh tế cao. Từ chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc do Vườn Quốc gia Phước Bình triển khai và hỗ trợ cây giống, ông Pi năng Chiên trồng thử nghiệm 5 sào bưởi với 150 gốc. Sau 5 năm, những cây bưởi đồng loạt cho thu hoạch, mỗi cây trung bình đậu được gần 40 quả, được thương lái thu mua với giá hơn 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 70 triệu đồng.

“Thị trường tiêu thụ bưởi da xanh hiện nay rất lớn. Bưởi da xanh hiện có giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, dịp Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua giá bưởi có lúc tăng trên 50.000 đồng/kg, gia đình thu hoạch được bao nhiêu, thương lái vào thu mua hết bấy nhiêu. Bưởi da xanh trồng ở vùng đất Phước Bình được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bưởi có vị thơm, ngọt, mọng nước không thua kém bất cứ loại bưởi nào trồng ở các tỉnh miền Tây”, ông Pi năng Chiên cho biết thêm.

Tương tự, ông Ka Tơ Quỳnh (51 tuổi, ở thôn Gia É, xã Phước Bình) ban đầu chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc bưởi, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng bắp; vào năm 2016 ông quyết định mở rộng diện tích trồng bưởi lên trên 1 ha, đến nay vườn bưởi 300 cây đang phát triển xanh tốt, dự kiến đến năm 2020 ông sẽ chính thức thu hoạch vụ đầu tiên. Trong thời gian chờ thu hoạch trái, ông trồng xen canh cây chuối sứ thu hoạch buồng để có thêm nguồn thu nhập.

Theo kinh nghiệm của ông Ka Tơ Quỳnh, bưởi da xanh là loại cây trồng rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Đây là loại cây khá dễ trồng và chăm sóc, ít dịch bệnh. Bưởi da xanh có giá tại vườn dao động từ 30.000 đến 50.000 nghìn/kg tùy vào chất lượng quả. Theo tính toán, 1 ha bưởi từ sau 5 năm trở đi có thể cho sản lượng khoảng 25 tấn trái. Vài năm trở lại đây, phong trào trồng bưởi da xanh được nhiều hộ đồng bào trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển.

Ông Ka Tơ Chinh, Cán bộ phòng nông nghiệp xã Phước Bình, huyện Bác Ái cho biết: Phong trào trồng bưởi da xanh được bà con trong xã phát triển mạnh từ 5 năm trở lại đây. Qua thực tiễn sản xuất tại các hộ dân cho thấy, cây bưởi da xanh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nếu canh tác tốt, giống bưởi da xanh cho trái quanh năm, mỗi năm loại cây này có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Hiện diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã đã phát triển lên 90 ha; trong đó, khoảng 50% diện tích đang cho thu hoạch trái ổn định.

Trong năm 2018, từ các nguồn vốn chương trình 30a, các dự án hỗ trợ tam nông, xã Phước Bình tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ giống bưởi da xanh chất lượng cao cho các hộ có nhu cầu trồng và mở rộng diện tích, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi đạt hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Phước Bình đang tuyển chọn các cây bưởi da xanh trên địa bàn có sản lượng cao, chất lượng quả tốt để xây dựng vườn giống bưởi đầu dòng, chủ động sản xuất giống chất lượng cao cung cấp cho bà con.

Theo Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mô hình chuyển đổi canh tác từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp đã mở ra một triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở các xã miền núi.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của đồng bào, từng bước góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Qua đó, giúp người dân gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục