Khánh Hòa ưu tiên phát triển các khu công nghiệp sinh thái, chuyên sâu

10:32' - 17/06/2022
BNEWS Khánh Hòa nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp mới, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu.

 

Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh sẽ tập trung hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như khu công nghiệp Ninh Thuỷ, Dốc Đá Trắng, Vạn Thắng, Nam Cam Ranh...; các cụm công nghiệp: Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân, Tân Lập... . Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp mới, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khu chức năng phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong. Khánh Hòa phấn đấu tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng lên 70%.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có 4 khu công nghiệp; trong đó, có 2 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, bao gồm Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) và Khu công nghiệp Ninh Thuỷ (thị xã Ninh Hòa). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, nhìn chung các khu công nghiệp chưa thu hút được nhiều dự án thứ cấp.

Các dự án sản xuất hiện có chỉ mới tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến thủy sản, may mặc, cơ khí…; tiến độ triển khai một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực vẫn còn chậm (Khu công nghiệp Ninh Thủy), hoặc chấm dứt thực hiện (Tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong tại thị xã Ninh Hòa). Điều này gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp nói riêng, ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa nói chung.

Khu công nghiệp Suối Dầu tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm có diện tích giai đoạn 1 hơn 136ha, hiện đã cho thuê là 87ha. Đến nay khu công nghiệp này đã thu hút 56 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 293 triệu USD, vốn thực hiện đã đạt hơn 233 triệu USD.

Trong số này có 40 dự án đang hoạt động, 12 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng, tỷ lệ lấp đầy 93%. Doanh thu năm 2020 tại khu công nghiệp ước đạt gần 299 triệu USD, nộp ngân sách 157,3 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 13.589 lao động.

Ngoài ra, khu công nghiệp Ninh Thuỷ tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa có diện tích gần 208 ha), hiện đã triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 (113ha), diện tích đất đã cho thuê trên 53ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 35%.

Đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút 21 dự án đầu tư, trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký trên 106 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 75 triệu USD; trong đó, có 11 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng, giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động.

Bên cạnh đó, hiện nay Khu công nghiệp Vạn Thắng thuộc huyện Vạn Ninh có quy mô 200ha và Khu công nghiệp Nam Cam Ranh tại xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh có quy mô 350ha đang trong quá trình chuẩn bị triển khai xây dựng hạ tầng.

Tỉnh Khánh Hòa định hướng phát triển ngành công nghiệp bằng các giải pháp mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh như đóng tàu, chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ yến sào, cơ khí; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hơn nữa, Khánh Hòa ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; gắn với việc khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản biển; công nghiệp vật liệu mới, cơ khí chế tạo chính xác; công nghiệp công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển ngành sản xuất vaccine, dược liệu biển.

Đặc biệt, Khánh Hòa sẽ nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể hóa các tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và khuyến khích đầu tư vào một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp an ninh quốc phòng, trọng tâm là công nghiệp năng lượng thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao.

Cùng đó, tỉnh còn hướng tới việc bảo vệ môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp; phát triển nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh. Ngoài ra, Khánh Hòa ưu tiên thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất với quy mô công suất vừa và lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Đáng lưu ý, Khánh Hòa đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 11%/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục