Khi kinh tế tư nhân được đặt làm trọng tâm trong kỷ nguyên mới

12:16' - 15/05/2025
BNEWS Kinh tế tư nhân hiện đang chiếm hơn 1/2 nền kinh tế nước ta và là trụ cột của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cho người dân.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp buổi chiều 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế, là "đòn bẩy" cho một Việt Nam thịnh vượng, phóng viên TTXVN đã thực hiện bài viết chuyên đề “Khi kinh tế tư nhân được đặt làm trọng tâm trong kỷ nguyên mới”.

 
*Bước ngoặt lớn

Kinh tế tư nhân ở Việt Nam gồm 2 khối: Các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể (bao gồm các hộ sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp). Hiện nay, khu vực tư nhân đóng góp khoảng hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó khối doanh nghiệp đóng góp khoảng 28% GDP, khối hội kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP và hộ sản xuất nông nghiệp khoảng 10% GDP. Khu vực này đóng góp 56% tổng đầu tư toàn xã hội, vượt xa so với tỷ lệ 28% của khu vực kinh tế nhà nước và 16% của khu vực FDI; chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu và đặc biệt là tạo hơn 80% công ăn việc làm. Kinh tế tư nhân đang chiếm hơn ½ nền kinh tế nước ta hiện nay và là trụ cột của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cho người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, sẽ tạo cú hích quan trọng và mạnh mẽ để khu vực tư nhân có thể phát triển, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. “Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Nghị quyết xác định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia nhằm giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển”.

Nhận định về Nghị quyết 68-NQ/TW, Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) cho rằng, quyết sách này đã chính thức xác lập vị thế “doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Đây là một bước chuyển tư duy mang tính cách mạng, nhưng để tư nhân thực sự “vươn mình vào kỷ nguyên mới”, cần xóa bỏ không chỉ rào cản chính sách mà còn gỡ bỏ rào cản tâm lý và cấu trúc thị trường.

Theo Tiến sĩ Trần Quý, cần giải phóng toàn diện quyền tự do kinh doanh. Hiện nay, nhiều ngành nghề của khu vực tư nhân vẫn bị giới hạn bởi “giấy phép con”, điều kiện kinh doanh bất hợp lý hoặc phân biệt vô hình so với doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, cần ban hành Luật bảo đảm quyền kinh doanh tư nhân, đặt nguyên tắc “được làm mọi thứ pháp luật không cấm” với chế tài xử lý các cơ quan can thiệp trái luật.

Thứ hai, tư nhân cần được tiếp cận công bằng các nguồn lực. Theo khảo sát, có đến 70% doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận đất đai, tín dụng, đấu thầu công. Cần đổi mới tư duy phân bổ nguồn lực, chuyển sang cơ chế thị trường cạnh tranh mở, trong đó doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước cùng bình đẳng trước chính sách, dữ liệu và cơ hội.

Thứ ba, thúc đẩy sự trưởng thành của doanh nghiệp tư nhân thông qua chuyển đổi số và chuỗi giá trị toàn cầu. “Chúng ta cần giúp doanh nghiệp tư nhân chuyển từ sản xuất gia công sang sở hữu thương hiệu – công nghệ. Đã đến lúc xây dựng Chương trình tăng tốc tư nhân quốc gia (Private Leap Program) – hỗ trợ tài chính, công nghệ và thị trường cho 1.000 doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhanh, xuất khẩu, đổi mới sáng tạo”. Tiến sĩ Trần Quý nói.

Vấn đề tiếp theo chính là phát triển hệ sinh thái tài chính cho doanh nghiệp tư nhân. Cần thiết lập trung tâm tài chính số, nền tảng gọi vốn cộng đồng, trái phiếu tư nhân, quỹ đầu tư tư nhân nội địa. Đồng thời áp dụng chính sách  tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp cận tín dụng xanh, tín dụng công nghệ, tài sản số.

Tiến sĩ Trần Quý cho rằng, có chế tài thì phải có khen thưởng. Nhà nước cần tôn vinh doanh nhân dân tộc mới, những người mang tinh thần đổi mới, khai phóng, vì cộng đồng. “Đào tạo 10.000 CEO bản lĩnh là chưa đủ, cần tạo môi trường để họ "lớn lên trong chính hệ sinh thái do họ kiến tạo”. Thực hiện Nghị quyết 68 là kích hoạt “tinh thần doanh nhân dân tộc”, một lực kéo nội sinh, mạnh mẽ, kiêu hãnh cho một Việt Nam hùng cường và sáng tạo”.

*Ba nhóm chính sách cốt lõi

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế về Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng hiện vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã đề ra các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn này, song cần tập trung vào ba nhóm chính sách cốt lõi là vốn, đất đai và nhân lực chất lượng cao.

Về vốn, trước mắt cần các chính sách hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp tư nhân vay vốn thuận lợi hơn. Cụ thể, cần hỗ trợ lãi suất vay, mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích ngân hàng cải tiến thủ tục cho vay. Chẳng hạn, tại TP.HCM, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Về lâu dài, cần phát triển thị trường vốn và các kênh huy động mới như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính số để mở rộng cơ hội tiếp cận vốn.

Về đất đai và mặt bằng, cần rút ngắn thủ tục, minh bạch hóa và điện tử hóa quy trình cấp các loại giấy tờ pháp lý liên quan quyền sử dụng đất, thuê đát, đồng thời có cơ chế kiểm soát hiệu quả giá đất tránh tăng đột biến. Chính quyền địa phương nên chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch có hạ tầng để doanh nghiệp thuê với chi phí hợp lý. Về lâu dài, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng đấu giá đất công khai, cho thuê đất ổn định, tạo cơ hội tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp tư nhân.

Về nhân lực chất lượng cao, cần triển khai ngay các chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động và đội ngũ quản lý doanh nghiệp tư nhân; ví dụ hiện có chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành doanh nghiệp để nâng cao năng lực quản trị khu vực tư nhân. Về lâu dài, phải gắn kết giáo dục đào tạo với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, chú trọng kỹ năng thực hành, STEM (viết tắt của các lĩnh vực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), ngoại ngữ ngay từ bậc phổ thông, qua đó tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế số và hội nhập.

Là một doanh nhân trẻ năng động, với sản phẩm nổi tiếng cà phê Mộng Dừa ở Bến Tre đã xuất khẩu sang thị trường thế giới, ông Lý Thái Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dừa BenTre (Bentrecorp), mạnh dạn đề xuất về vốn, trước mắt hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng. Nhà nước cần nới lỏng điều kiện vay vốn: đơn giản hóa thủ tục, giảm yêu cầu tài sản đảm bảo. Tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thông qua hội thảo, diễn đàn. Về lâu dài phát triển thị trường vốn phi ngân hàng (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp), thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về công nghệ, trước mắt miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyển giao công nghệ thông qua các chương trình hợp tác công – tư. Về lâu dài phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo vùng và quốc gia. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khởi nghiệp, có thể thông qua ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Về nhân lực chất lượng cao, trước mắt hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho lao động hiện hữu, hợp tác với các trường nghề, trung tâm kỹ năng. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có chương trình đào tạo nội bộ hiệu quả. Lâu dài cải cách giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – doanh nghiệp – trường đại học, để tạo nguồn nhân lực chất lượng từ sớm.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm làm kinh tế vùng Đông Nam bộ, ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Sơn Quân  đề xuất 2 nhóm chính sách trước mắt (ngắn hạn) và lâu dài (chiến lược).

Về chính sách ngắn hạn nhằm nhanh “gỡ nút thắt” ngay lập tức về vốn như miễn/giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong 3 năm đầu. Tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng cấp trung ương và địa phương. Ưu tiên tín dụng xanh, tín dụng cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Về công nghệ là hỗ trợ 50–70% chi phí đổi mới công nghệ, mua phần mềm, máy móc hiện đại. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp tới 200% cho chi phí R&D (là giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển một sản phẩm/ dịch vụ mới tiềm năng).

Về những chính sách dài hạn “xây nền” bền vững hạ tầng tài chính là phát triển thị trường vốn trung và dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp, vốn mạo hiểm. Cần làm thí điểm khung pháp lý cho huy động vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm khởi nghiệp công – tư, khu công nghệ mở dùng chung phòng lab, thiết bị thử nghiệm. Song song đó, thành lập các quỹ đầu tư công tư hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh.

Nếu các giải pháp trên được thực thi đồng bộ, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển bứt phá, đóng góp xứng đáng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, mong đợi Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ sớm đưa chính sách vào cuộc sống.

Các doanh nghiệp tư nhân tin tưởng Nghị quyết số 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành đầu tháng 5/2025, là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế, khi chính thức xác lập kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục