Khi nông dân không cần “giải cứu nông sản”

17:30' - 23/01/2024
BNEWS Hướng đến phân khúc thị trường trung và cao cấp, “Tiêu chuẩn Nhật” luôn là điểm nhấn để HTX thực hành và giữ gìn thương hiệu sản phẩm của mình, để rau củ quả không cần đến giải cứu.

Tư duy “không chạy theo số lượng, chất lượng là ưu tiên hàng đầu” đang được nông dân các HTX nông nghiệp hướng đến với mục tiêu “thay vì bán những gì sản xuất được, chuyển sang bán những gì thị trường cần”. Cùng với đó, Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện với mục tiêu không chỉ dừng ở hỗ trợ kỹ thuật sản xuất mà còn tăng cường năng lực tiếp thị, khảo sát nhu cầu thị trường và kỹ năng bán hàng, đã và đang hỗ trợ để nông dân không còn bị động và không cần đến những kịch bản “giải cứu nông sản”. 

* Không cần “chạy” theo sản lượng 

Trong cái lạnh giá của những ngày nhiệt độ xuống thấp nhất trong mùa đông năm nay, nông dân HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, huyện Kinh Môn (Hải Dương) vẫn miệt mài bên những vườn thanh long. Hàng chục héc ta thanh long ruột đỏ - sản phẩm đặc sản làm nên thương hiệu của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng đang vào kỳ cần chăm trái, vuốt “tay” và chong đèn để những trái thanh long không ngon về chất lượng mà còn đẹp về hình dáng, mẫu mã, phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

“Thanh long chính vụ chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng/kg, nhưng thanh long trái vụ lên đến 30.000 đồng/kg, thậm chí vụ Tết này có thể lên tới 40.000-50.000 đồng/kg. Đấy là lý do mà nông dân HTX chúng tôi không cần “chạy” theo sản lượng, mà luôn chăm chút đến chất lượng sản phẩm, để cho ra thị trường những trái thanh long ngon nhất, đẹp nhất trong dịp Tết này”, ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng chia sẻ

Tư duy “không chạy theo số lượng, chất lượng là ưu tiên hàng đầu” được xã viên HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng thực hiện ngày càng chặt chẽ từ khi tham gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.

Là 1 trong 2 vùng trồng thanh long của Hải Dương, xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn từ lâu đã nổi tiếng là vựa sản xuất thanh long lớn của tỉnh. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên diện tích thanh long ở đây không ngừng được mở rộng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Đặc biệt, kỹ thuật xử lý thanh long trái vụ bằng kỹ thuật ánh sáng bức xạ đang được HTX thử nghiệm đã cho kết quả tốt. “Khác với công nghệ chiếu đèn led chỉ chiếu 1 loại đèn với 1 màu ánh sáng, kỹ thuật ánh sáng bức xạ chúng tôi đang thực hiện sử dụng ánh sáng với nhiều màu sắc khác nhau, nhiệt lượng và tần suất khác nhau nên mặc dù trái vụ nhưng thanh long không bị xốp, nhạt mà vẫn có độ chắc quả và ngọt sắc, thậm chí còn ngon ngọt hơn với đặc tính của các loại trái cây mùa đông miền Bắc. Vì thế, thanh long ruột đỏ của HTX nhanh chóng tạo được thương hiệu trên thị trường và có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị, sàn giao dịch điện tử trong nước”, ông Thuấn cho biết.

Hiện HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng có 23 ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, HTX còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã với diện tích khoảng 60 ha. Hiện thanh long ruột đỏ của HTX đã nhận được một số đơn đặt hàng xuất đi Australia, Mỹ và Trung Quốc...

* Hướng tới thị trường trung và cao cấp

Cũng giống như ở HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), từ canh tác manh mún, nhỏ lẻ, khi tham gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn, tư duy, ý thức của người sản xuất về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng rau quả an toàn được nâng lên rõ rệt. 

Theo Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Hưng, trước đây bà con canh tác manh mún, nhỏ lẻ, nhưng từ khi người dân tham gia vào HTX đã trồng rau tập trung nên rất dễ cho việc bố trí và giám sát sản xuất. Đồng thời, với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản, HTX đã áp dụng một số kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: sử dụng phân ủ hoai mục bằng phương pháp lên men giúp phục hồi cấu trúc đất và nâng cao độ phì cho đất; kỹ thuật sản xuất cây giống trong khay xốp để tạo ra cây giống khỏe mạnh, có sức kháng chịu sâu bệnh tốt và thích nghi nhanh với môi trường bên ngoài sau khi được trồng ngoài cánh đồng...

Đồng thời, HTX được trang bị hệ thống nhà sơ chế đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với đội ngũ công nhân có kỹ năng tốt trong thực hành các khâu sơ chế, đóng gói rau đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn của người mua. 

“Điểm khác biệt là chúng tôi có đội ngũ thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát nội bộ toàn bộ diện tích sản xuất rau an toàn. Đặc biệt, HTX cũng thường xuyên kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp kiểm tra nhanh (quick test) và định kỳ kiểm tra mẫu sản phẩm tại phòng thí nghiệm”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.

Đặc biệt, các chuyên gia của JICA đã hỗ trợ HTX xây dựng và phát huy hiệu quả bộ công cụ marketing để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của HTX. Vì vậy, sản phẩm rau an toàn của HTX phục vụ thị trường trung và cao cấp và hiện được tiêu thụ tại chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi siêu thị Aeon, chuỗi siêu thị Co.op, Coop Mart, Coop Food, một số cửa hàng rau an toàn và các bếp ăn trường học, khu công nghiệp khác. 

“Hướng đến phân khúc thị trường trung và cao cấp, “Tiêu chuẩn Nhật” luôn là điểm nhấn và cũng là lời nhắc nhở để mỗi xã viên HTX thực hành và giữ gìn thương hiệu sản phẩm của mình, để rau củ quả không cần đến giải cứu”, ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.

Theo ông Naoki Kayano, chuyên gia JICA, cách tiếp cận của Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn ở tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam giới thiệu tư duy định hướng thị trường, thay đổi tư duy theo cách truyền thống từ khái niệm “Product-out” là bán những gì bạn sản xuất ra”, đến khái niệm “Market-in” - “trồng để bán”. Đồng thời dự án cũng tăng cường chức năng và quản lý hợp tác xã nông nghiệp thông qua việc giới thiệu một hệ thống bán hàng tập trung.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập thế giới, năng lực cạnh tranh của sản phẩm là một trong các yếu tố để tồn tại và mở rộng thị trường. Việc nâng cao chất lượng rau, quả, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP là vấn đề sống còn của nông sản Việt Nam. Trong quá trình đó, sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân có vai trò vô cùng quan trọng. 

Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua JICA được triển khai từ năm 2022 đến năm 2026 với kinh phí 3 triệu USD. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc mở rộng các mô hình trồng trọt an toàn, nâng cao năng lực thị trường cho các hợp tác xã trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về chuỗi giá trị nhằm hướng đến để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước chuyển dần sang hướng phát triển tích hợp đa giá trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục