Thêm nhiều nông sản Việt Nam có cơ hội sang Trung Quốc

16:24' - 22/01/2024
BNEWS Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ngay khi về nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có cuộc chia sẻ với báo chí về kết quả của chuyến công tác này.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ về một số kết quả nổi bật mà Đoàn công tác đã đạt được sau chuyến đi Trung Quốc vừa qua?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trên cơ sở kết quả thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là ngay sau khi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào cuối năm 2023, ngay đầu năm 2024 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tăng cường hợp tác, tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.

Đoàn công tác đã đến làm việc và trao đổi nhiều vấn đề với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc. Theo đó, có ba cái nội dung chính mà hai bên đã đạt thỏa thuận.

Thứ nhất là hai bên thống nhất việc tổ chức Cuộc họp Ủy ban liên hiệp hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 2 tại Trung Quốc trong năm 2024. Hai bên sẽ bàn những nội dung thúc đẩy trong những năm sắp tới, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra xoay quanh về ba trụ cột. Đó là, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp giảm phát thải.

Thứ hai là hai bên thống nhất sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề nông nghiệp của hai Bộ trong thời gian tới trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, nhất là tiếng Trung Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các dự án chung để thúc đẩy thời gian tới.

Vấn đề thứ ba là hai bên sẽ hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới. Trung Quốc có chương trình chấn hưng nông thôn với rất nhiều kinh nghiệm, mô hình hay có thể phù hợp với Việt Nam. Chúng ta có thể trao đổi kinh nghiệm để xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

 

 

Phóng viên:Làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hai bên đã đạt được những kết quả gì trong mở cửa thị trường nông sản, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Hai bên đã trao đổi, tháo gỡ được nhiều vấn đề mà hai bên đặt ra. Cụ thể, Trung Quốc sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để ký trong thời gian sớm nhất 3 Nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc để phục vụ nghiên cứu khoa học.

Đối với các sản phẩm rau quả, Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam. Đây cũng là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam và được bà con ở các vùng trồng rất quan tâm.

Về chăn nuôi, Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam, đơn vị chức năng hai bên phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm. Đây cũng là tin mừng cho người chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Đoàn công tác cũng đã thông tin thêm về việc Việt Nam đã xây dựng được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và sản phẩm đã được nhiều nước chấp nhận nhập khẩu. Nếu mở cửa được sản phẩm gia cầm vào Trung Quốc thì đây sẽ là thị trường tiềm năng rất lớn. Các trang trại, hộ nông dân và doanh nghiệp có thể tăng cường sản xuất, đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào thị trường này.

Hai bên cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước.

Để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hải quan của Trung Quốc ở biên giới, hai bên thống nhất sau Tết Nguyên đán sẽ có cuộc họp giao ban giữa các lực lượng này. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ ở các cửa khẩu.

Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản hai nước sẽ có trưởng trưởng tốt nên vấn đề phối hợp, trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng hai bên là rất là cần thiết. Đây là điểm khởi đầu cho sự tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Đoàn công tác cũng đã làm việc với tỉnh Quảng Đông, qua đó hai bên đã thống nhất được 3 nội dung chính. Thứ nhất là hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác về chuyển giao khoa học công nghệ giữa các viện, trường của tỉnh Quảng Đông với các viện, trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tiếp theo là thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Đông và Việt Nam trong liên doanh, liên kết đầu tư vào nông nghiệp.

Sau cùng là tỉnh Quảng Đông có nhiều chợ đầu mối và trung tâm nông sản lớn, phần lớn sản phẩm nông sản của thế giới vào Trung Quốc qua chợ đầu mối này. Chúng tôi cũng thống nhất xây dựng các chuỗi logistic nông sản bền vững để các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thông qua chợ đầu mối ở Quảng Đông và được kiểm soát tốt về dịch bệnh, chất lượng.

Đây là nội dung mới sẽ tạo ra cơ chế xây dựng chuỗi logistic đảm bảo chất lượng và bền vững cho hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Sau khi làm việc với Chợ đầu mối rau quả Giang Nam chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm trái cây của Việt Nam rất có lợi thế vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng. Trung Quốc cũng đánh giá rất cao về sầu riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, phía bạn cũng cảnh báo: Nếu Việt Nam không chú trọng vào chất lượng, mẫu mã thì sẽ đánh mất tiềm năng này. Bởi, sắp tới có khả năng Trung Quốc sẽ cho phép thêm một số nước xuất khẩu sầu riêng vào nước này.

Do đó, những hộ nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục