Khi “nữ hoàng cá tra" rót hàng trăm tỷ đồng đầu tư chứng khoán
Dù là “tay ngang” nhưng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã đầu tư chứng khoán với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Trong cuộc chơi này, doanh nghiệp đầu ngành cá tra có cả thành công lẫn thất bại. Tuy nhiên có thể nhận thấy, đầu tư chứng khoán không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của công ty khi chiếm tỷ trọng nhỏ. Doanh nghiệp dù thua lỗ chứng khoán nhưng vẫn gặt hái những thành công vượt trội nhờ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng chủ lực cá tra.
*Ngọt, đắng cùng chứng khoán
Báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho thấy, tính đến cuối tháng 6, công ty này đầu tư chứng khoán tới gần 200 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý chỉ còn hơn 137 tỷ đồng, doanh nghiệp này phải dự phòng gần 63 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp kỳ này đội lên hơn 3 lần so với quý II/2021.
Cụ thể, Vĩnh Hoàn đã rót 40 tỷ đồng mua mới cổ phiếu KBC của Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc và tạm lỗ 17,7 tỷ đồng.
Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long từ 24 tỷ đồng lên 69 tỷ đồng, tạm lỗ gần 24 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục duy trì khoản đầu tư 53,2 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh và cũng tạm lỗ 35,5 tỷ đồng.
Trước đó, với lượng tiền nhàn rỗi lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành, Vĩnh Hoàn bắt đầu rót tiền vào chứng khoán trong giai đoạn dịch bệnh và đã có 2 năm được hái quả ngọt.
Sáu tháng đầu năm năm 2020, công ty ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán lên tới gần 190 tỷ đồng; trong đó, bộ 3 cổ phiếu đầu tư nhiều nhất là MWG (Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động); FPT (Công ty cổ phần FPT) và HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) với giá trị lần lượt 87,3 tỷ đồng; 28,6 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng.
Cũng trong nửa đầu năm này, Vĩnh Hoàn thu về 5,5 tỷ tiền lãi từ đầu tư chứng khoán, đóng góp 9% vào doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất.
Đến cuối năm 2020, công ty tất toán toàn bộ lượng cổ phiếu nói trên và ghi nhận khoản lãi hơn 64 tỷ, chiếm 28% doanh thu tài chính trong năm và tương đương lợi suất đầu tư 34% giá vốn sau một năm.
Cuối năm 2021, công ty ghi nhận lãi chứng khoán kinh doanh cùng cổ tức và lợi nhuận được chia tổng cộng là hơn 41,8 tỷ đồng.
Thực tế, lĩnh vực đầu tư chứng khoán không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản này, nhưng trước bối cảnh đại dịch bùng phát trên thế giới và Việt Nam từ đầu năm 2020, khiến hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng, doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm kênh đầu tư mới. Khi đó, doanh nghiệp đã đón đầu đúng xu hướng đầu tư của thị trường vào chứng khoán và lãi lớn.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã mở của trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên sôi động, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản tăng trưởng vượt bậc thì đầu tư chứng khoán thua lỗ đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.
*Nữ thuyền trưởng giúp Vĩnh Hoàn vượt đại dương
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT công ty Vĩnh Hoàn thường được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra”. Năm 1997, bà Khanh thành lập doanh nghiệp tư nhân Công ty TNHH Vĩnh Hoàn tại Cao Lãnh, Đồng Tháp với nhiệm vụ chính là ưu tiên xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy sản như cá basa phi lê, cá tra phi lê và hàng giá trị gia tăng từ các tra, cá basa.
Thời kỳ đầu, công ty chỉ thực hiện việc gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thuê một xưởng sản xuất để thành lập cơ sở chế biến riêng. Bằng sự nhanh nhạy trong kinh doanh và nỗ lực hết mình, bà Khanh đã sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm của công ty ở thị trường nước ngoài. Tới năm 2003 Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của bà Khanh, Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp đứng thứ 3 về xuất khẩu cá tra cá basa, leo lên đứng thứ 2 trong năm 2009 và từ năm 2010 đến nay Vĩnh Hoàn luôn là doanh nghiệp dẫn đầu.
Tháng 5/2016, bà Khanh chuyển giao chức vụ Tổng giám đốc của CTCP Vĩnh Hoàn cho bà Nguyễn Ngô Vi Tâm. Hiện bà Khanh vẫn đang là chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.
Cho đến nay, ban lãnh đạo của Vĩnh Hoàn đang đưa con thuyền đi đúng hướng, đạt được mức tăng trưởng tích cực hàng năm, cơ cấu tài chính lành mạnh và hiệu quả.
Năm 2020, ngành cá tra "mắc cạn" vì lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, thì trong năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19. Lần đầu tiên Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ áp dụng đồng loạt các chỉ thị giãn cách xã hội.
Doanh nghiệp đối diện với muôn vàn khó khăn như phải tạm ngừng sản xuất, bố trí sản xuất 3-4 tại chỗ trong tình hình mới, chi phí vận chuyển tăng, chi phí xét nghiệm COVID-19, chi phí phúc lợi cho nhân viên sản xuất tại chỗ, nhưng Vĩnh Hoàn vẫn đạt doanh số xuất khẩu tới 9.054 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 1.099 tỷ đồng vượt 57% so với kế hoạch năm 2021 đề ra.
Quý II/2022, dù lỗ chứng khoán nhưng Vĩnh Hoàn vẫn đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Doanh thu thuần đạt hơn 4.226 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng kỳ này tăng mạnh 64%, nhưng nhờ sản lượng và giá bán tăng, “nữ hoàng cá tra” lãi hơn 788 tỷ đồng sau thuế, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận gần 7.494 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.341 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 81% và 241% so với cùng kỳ; trong đó, cá tra chiếm khoảng 2/3 tổng doanh thu với mức tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và hơn 4/5 kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dù nhu cầu vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng doanh thu cá tra trong tháng 6/2022 đã giảm 41% so với tháng trước. Điều này là do nhu cầu giảm do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát; và một số nhà bán buôn bán phá giá hàng tồn kho ở Mỹ trong hai tuần cuối năm tài chính của họ, làm doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 59% so với tháng trước.
Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng kể từ đầu quý II/2022, khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ một số hạn chế tại các cảng biển. Doanh thu cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 6 tăng 46% so với cùng kỳ và 19% so với tháng trước đó.
Điều này phù hợp với chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc trong thời gian tới. Vĩnh Hoàn đang cố gắng tiếp cận phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc, nơi giá cả ít biến động.
SSI cho rằng dù giá bán bình quân dự kiến tăng trở lại nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất như trong quý II/2022, do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi; chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất.
SSI tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Năm 2022, SSI kỳ vọng Vĩnh Hoàn sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 13.500 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ và 2.000 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm. Năm 2023, SSI ước tính Vĩnh Hoàn sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 12.900 tỷ đồng và 1.740 tỷ đồng; lần lượt giảm 4,1% và 15% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên sáng 29/7, cổ phiếu VHC có giá 81.200 đồng/cổ phiếu, giảm gần 23% so với mức chốt phiên giao dịch đầu năm (ngày 4/1)./.
Tin liên quan
-
Chứng khoán
Vĩnh Hoàn lãi sau thuế hơn nghìn tỷ trong năm 2021
09:00' - 24/01/2022
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021.
-
Chứng khoán
Vĩnh Hoàn chốt quyền nhận cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 20%
09:49' - 10/12/2021
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng.
-
Chứng khoán
Xuất khẩu cá tra của CTCP Vĩnh Hoàn giảm tốc
09:30' - 18/09/2021
So với tháng trước, tổng doanh thu tháng 8 của CTCP Vĩnh Hoàn giảm 8% chủ yếu do giảm tốc ở mảng sản phẩm cá tra xuất khẩu và sản phẩm khác.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.