Khi "ván bài Brexit" lật ngửa

17:58' - 10/09/2019
BNEWS Mọi "nước đi" mà ông Johnson đặt cược trong "ván bài Brexit", đều bị hóa giải, bất chấp Thủ tướng Boris Johnson đã dùng giải pháp đình chỉ hoạt động của Quốc hội Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong phiên họp của Hạ viện tại London ngày 9/9/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson luôn khẳng định bằng mọi giá sẽ đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - vào ngày 31/10 tới.

Tuyên bố của ông lúc nhậm chức đã chắp thêm niềm tin cho phe ủng hộ Brexit tại Anh rằng họ sẽ sớm nhìn thấy giấc mơ thành hiện thực.

Tuy nhiên, ở từng sự kiện quan trọng thể hiện tầm ảnh hưởng trên vai trò mới trong gần 2 tháng lên cầm quyền, những kết quả mà ông Johnson nhận được đều rất mơ hồ và có cả thất bại.

Mới nhất, Hạ viện Anh vừa bỏ phiếu vòng cuối bác bỏ đề xuất của ông về việc tổ chức bầu cử sớm tại Anh vào giữa tháng 10.

Như vậy, trong vòng khoảng một tuần sau khi Quốc hội Anh trở lại làm việc ngày 3/9, ông Johnson đã thất bại trong tất cả các lượt bỏ phiếu tại hạ viện liên quan tới "ván bài Brexit" mà ông đặt cược cả sự nghiệp chính trị để thực hiện.

Nỗ lực huy động sự ủng hộ chiến lược Brexit cứng rắn của ông bị hạ viện bác bỏ trong cả hai lần bỏ phiếu.

Kết quả là dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận được thông qua và ban hành thành luật ngày 9/9.

Nỗ lực kêu gọi bầu cử sớm trước khi Brexit diễn ra cũng bị "xóa sổ" với thông điệp mang tính điều kiện từ Công đảng đối lập, rằng điều này chỉ có thể thực hiện khi Brexit được trì hoãn để tránh kịch bản không thỏa thuận gây nhiều tác động.

Nỗ lực thay đổi thành phần quốc hội với hy vọng mong manh giúp phe Bảo thủ tìm lại thế đa số trước hội nghị thượng đỉnh EU quan trọng sắp tới đã nguội tắt trong không khí bức bí của hạ viện.

Mọi "nước đi" mà ông Johnson đặt cược trong "ván bài Brexit", đều bị hóa giải, bất chấp Thủ tướng Boris Johnson đã dùng giải pháp đình chỉ hoạt động của Quốc hội Anh.

Trong bối cảnh hầu như mọi tính toán đều đã lệch nhịp, Thủ tướng Johnson vẫn không buông xuôi.

Ông tuyên bố trước quốc hội rằng dù có bị "trói tay", Chính phủ Anh quyết thực hiện Brexit tới cùng theo đúng thời hạn.

Thủ tướng Anh giờ đặt cược vào khả năng đạt thỏa thuận với EU khi tham dự hội nghị thượng đỉnh toàn khối vào ngày 17-18/10 tới, một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, đây được cho là một nhiệm vụ "khó nhằn" nếu không nói là gần như "bất khả thi" vào thời điểm này.

Cựu Thủ tướng Theresa May đã mất hơn 2 năm đàm phán với EU để có được một thỏa thuận với điều khoản "chốt chặn" liên quan tới biên giới trên đảo Ireland.

Vì vậy, quyết tâm của ông Johnson tìm kiếm một thỏa thuận mới với EU mà yêu sách chính là loại bỏ điều khoản "chốt chặn" chẳng khác nào lật ngược tiến trình đàm phán của bà May với EU và trở về giai đoạn đàm phán bế tắc ban đầu.

Một trong những "nước cờ" mà ông Johnson vẫn tin dùng là "Brexit không thỏa thuận" sẽ là sức ép mạnh mẽ buộc EU phải nhượng bộ trong đàm phán.

Nhưng cho tới nay không có dấu hiệu nào đảm bảo nỗ lực này sẽ đem về một kết quả như ý. Lâu nay, EU luôn khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận đã ký kết và chỉ chấp nhận xem xét những đề xuất có thể thay thế hiệu quả cho điều khoản "chốt chặn", chứ không có chuyện loại bỏ điều khoản này.

Thông điệp mới nhất của EU sau cuộc họp cấp đại sứ ngày 5/9 vừa qua, vẫn khẳng định việc Anh mặc định rằng EU dần sẽ nhượng bộ trước sức ép và hai bên đạt thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới để thỏa thuận mới được phê chuẩn trước ngày 31/10, là "phi thực tế".

Trong khi Anh tỏ ra lạc quan khi cử đoàn chuyên gia hải quan và thuế quan tới Brussels để đàm phán về các biện pháp thay thế điều khoản "chốt chặn" thì Đại sứ Đức tại EU lại cho là việc này lãng phí thời gian, không đi tới đâu.

Kịch bản nhiều khả năng nhất lúc này là Brexit tiếp tục được trì hoãn 3 tháng theo đúng luật mới được Nữ hoàng Anh ban hành, đồng nghĩa với việc Anh sẽ duy trì tư cách thành viên EU tới ngày 31/1/2020 và trong thời gian đó, chính trường Anh có thể lại trải qua những biến động mới với đích đến cuối cùng có thể là Brexit diễn ra hoặc bị hoãn vĩnh viễn.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Johnson sẽ không để kịch bản này dễ dàng xảy ra vì chính ông đã khẳng định rằng sẽ không yêu cầu gia hạn Brexit. Đội ngũ của ông Johnson cũng đã tìm các chiến lược pháp lý ngăn chặn kịch bản này.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết chính phủ sẽ tôn trọng luật pháp, nhưng cũng lưu ý rằng "đôi khi tình huống có thể phức tạp hơn khi có những điều luật xung đột lẫn nhau hoặc những tư vấn pháp lý mang tính đối kháng".

Trong trường hợp Chính phủ Anh bằng cách nào đó "lách luật" thành công, Brexit sẽ được thực hiện mà không có thỏa thuận.

Khả năng này không phải không có cửa khi Thủ tướng Johnson từng khẳng định "thà chết" còn hơn trì hoãn Brexit thêm lần nữa.

Ngoài yếu tố chủ quan từ Anh thì yếu tố khách quan là phía EU không chấp nhận đề nghị gia hạn Brexit vì lãnh đạo các nước thành viên đã quá mệt mỏi với "mớ bòng bong" Brexit.

Trên thực tế, Pháp, một trong các quốc gia đóng vai trò "anh cả" tại EU, luôn phản bác khả năng tiếp tục trì hoãn Brexit. Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp, bà Amelie de Montchalin cho rằng việc làm này chẳng những không làm thay đổi bất cứ điều gì, mà còn không giải quyết được vấn đề Brexit của nước Anh.

Thủ tướng Phần Lan, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Antti Rinne thì nhận định kịch bản Brexit không thỏa thuận là khó tránh.

Tất nhiên, với thế đối kháng hiện tại giữa chính phủ và quốc hội Anh, thì Brexit không thỏa thuận cũng không thiếu trở ngại.

Các nghị sĩ Anh đã kịp bỏ phiếu yêu cầu chính phủ công khai các tài liệu chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận và các nội dung thảo luận của các quan chức chính phủ trước khi đi tới quyết định kéo dài kỳ nghỉ của quốc hội từ 9/9 tới 14/10.

Việc công khai các tài liệu này có thể dẫn tới hàng loạt hành động pháp lý khác chống lại quyết định thúc đẩy Brexit không thỏa thuận của chính phủ, thậm chí còn đe dọa sự tồn tại của chính phủ đương nhiệm bởi đây hoàn toàn có thể là cái cớ để Công đảng đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ.

Khả năng bầu cử sớm cũng chưa hoàn toàn chấm dứt khi Công đảng đối lập vẫn khẳng định sẽ ủng hộ khi Brexit không thỏa thuận chắc chắn được loại bỏ, còn phe Bảo thủ thì đã mất khả năng định hướng quốc hội sau khi trục xuất 21 nghị sĩ vì bỏ phiếu phản đối chiến lược Brexit.

Tuy nhiên, thời điểm bầu cử vẫn là một dấu hỏi lớn. Với việc quốc hội tạm nghỉ tới ngày 14/10 thì các dự đoán nổi lên là một cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11.

Trong trường hợp bầu cử thực sự diễn ra, nếu ông Johnson giành chiến thắng và đạt thỏa thuận với đảng Brexit mới thành lập của nghị sĩ Nigel Farage, thì khả năng Brexit diễn ra là rất cao.

Nhưng nếu Công đảng giành chiến thắng, kịch bản đảo ngược hoàn toàn bởi đảng này ủng hộ trưng cầu ý dân lần hai về Brexit và khi đó tiến trình rời EU có thể bị hủy bỏ hoàn toàn sau 3 năm chao đảo chính trường Anh.

Người thân của ông Johnson từng chia sẻ rằng ước mơ cả đời của ông là trở thành thủ tướng, và Brexit có lẽ đã cho ông cơ hội này.

Tuy nhiên, mọi quân bài trong ván bài Brexit của ông Johnson giờ đã lật ngửa, và quãng đường đầy trắc trở trước mắt Thủ tướng Johnson đang đẩy ông đứng trước hai ngã rẽ.

Một là bất ngờ tạo thay đổi và giữ vững mục tiêu cuối cùng - thực hiện Brexit theo ý nguyện của 52% cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Và hai là trở thành vị thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục