Khó đạt được thỏa thuận về RCEP vào cuối năm nay

12:00' - 13/11/2018
BNEWS Singapore, quốc gia chủ trì cuộc họp, đã không công bố một thỏa thuận sau các cuộc đàm phán mà chỉ thông báo các bên đã đạt được tiến bộ đáng kể hướng đến hiệp định nói trên.
Cuộc họp Hội đồng điều phối để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore. Ảnh: Xuân Vịnh - PV TTXVN tại Singapore
Theo một số nguồn tin, nhóm gồm 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khó đạt được một thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, khi trong cuộc họp ngày 12/11, các bộ trưởng vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách liên quan đến thuế và các vấn đề khác. 

Theo các nguồn tin từ ASEAN, Singapore, quốc gia chủ trì cuộc họp, đã không công bố một thỏa thuận sau các cuộc đàm phán mà chỉ thông báo các bên đã đạt được tiến bộ đáng kể hướng đến hiệp định nói trên. 

Lãnh đạo 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương sẽ nhóm họp tại Singapore ngày 14/11, để xác nhận lại những tiến bộ đã đạt được. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, Hiroshige Seko, thừa nhận vẫn tồn tại nhiều khoảng cách giữa các quốc gia. Theo các nguồn tin, giảm thuế đối với hàng hóa đang là một trong những trở ngại lớn nhất giữa các quốc gia tham gia RCEP. 

Trước đó, một số quốc gia ASEAN là thành viên của RCEP đã đưa ra nhượng bộ đáng kể với Ấn Độ liên quan đến mức độ New Delhi cần phải mở cửa thị trường, trong nỗ lực nhằm khuyến khích quốc gia Nam Á này nhanh chóng gia nhập RCEP. Theo đó, Ấn Độ sẽ chỉ phải mở cửa thị trường khoảng 83% thay vì 92% như quy định trong thỏa thuận ban đầu của RCEP. Hiện mở cửa thị trường cho Trung Quốc là mối quan ngại chính của Ấn Độ trong việc gia nhập RCEP. 

Với số lượng thành viên gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác khu vực là Australia (Ôx-trây-li-a), New Zealand (Niu Di-lân), Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút lui vào tháng 1/2017. 

Nhật Bản, Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN sẽ tiếp tục các buổi thảo luận về RCEP vào năm tới. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục