Khó giảm lãi suất ngân hàng

11:42' - 02/04/2018
BNEWS Nhiều kỳ vọng đặt ra rằng, lãi suất năm 2018 sẽ giảm thêm để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng.

Trong bối cảnh hội nhập, để doanh nghiệp có thể vươn ra “biển lớn” cần có hỗ trợ lớn về mọi mặt; trong đó, được vay vốn giá rẻ là nỗi niềm chung của hầu hết doanh nghiệp. Nhiều kỳ vọng đặt ra rằng, lãi suất năm 2018 sẽ giảm thêm để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng.
Dư địa giảm không nhiều
Đầu năm 2018, ngay sau khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thì gần như đồng loạt, tất cả 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV đều công bố giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên khoảng 5%. Nhiều kỳ vọng cũng đặt ra làn sóng giảm lãi suất sẽ lan rộng, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực tìm kiếm và mở rộng thị trường, nhưng mọi điều có thể không như mong đợi.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, mức giảm lãi suất như hiện nay đang chủ yếu tập trung ưu tiên vào một bộ phận không lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, nên sự hưởng lợi không dành cho đa số.

Khó giảm lãi suất ngân hàng. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Phát triển thương mại Đăng Khoa cho biết, là doanh nghiệp phân phối các sản phẩm cơ khí nên công ty không thuộc diện ưu tiên được vay vốn. Hiện nay, công ty có nhu cầu mở rộng kinh doanh nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó; không được vay tín chấp mà phải có thế chấp bằng tài sản đảm bảo.
“Vì vậy, tôi cho rằng các ngân hàng nên cân nhắc việc giảm lãi suất cho vay không chỉ với các lĩnh vực ưu tiên, mà nên áp dụng cho cả những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Tuấn đề xuất.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 6%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 6,5%/năm đối với ngắn hạn.

Đối với dài hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 9-10%/năm, nhóm thương mại cổ phần là từ 10-10,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường tại các ngân hàng thương mại nhà nước ở mức từ 6,8-8,5%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-10,3%/năm đối với trung và dài hạn. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay thông thường cao hơn khoảng từ 0,5-1%.
Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được mức lãi suất này bởi thủ tục vay vốn phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo, thông tin, kém minh bạch, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít ưu thế hơn so với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn.
Tại hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng các khảo sát trong thời gian vừa qua chỉ ra, hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn như việc tiếp cận vốn chưa thật sư thông suốt, công nghệ, quản trị của doanh nghiệp chưa tốt…
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước, việc giảm lãi suất là rất khó vì nhiều yếu tố như tỷ lệ nợ xấu hệ còn cao, nên ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước cũng thừa nhận lãi suất cho vay đã giảm và giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lãi suất huy động không giảm ?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước cho rằng, nền kinh tế đang có nhu cầu vốn lớn, nhưng thay vì đem tiền gửi vào tiết kiệm lấy lãi thì người dân lại đầu tư vào bất động sản và thị trường chứng khoán.
Nếu giảm cũng chỉ ở mức thấp
Theo ông Trương Văn Phước, năm nay, kinh tế thế giới có phục hồi nhưng chưa thật vững chắc nên chính sách tiền tệ tại các nước cũng dè dặt. Các nước tăng lãi suất nhưng chậm, mặt bằng lãi suất của thế giới có thể cao hơn năm 2017 nhưng không lớn lắm. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong 4 năm trở lại đây như điều chỉnh giá viện phí, giáo dục, giá điện uyển chuyển, nhịp nhàng không tạo cú sốc khiến lạm phát tăng cao.
“Tôi cho rằng, lãi suất có điều kiện giảm nhưng không nhiều. Lãi suất ổn định và giảm mức độ nhỏ trong năm 2018”, ông Trương Văn Phước dự báo.
Ghi nhận từ thực tế, lãi suất cho vay đang gặp rào cản từ chính lãi suất huy động. Cụ thể, ngay thời điểm sau Tết nguyên đán, ngân hàng đã "âm thầm" dâng lãi suất huy động lên. Thời điểm hiện tại tại một ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 7,65%/năm. Chưa kể đa số các nhà băng nhỏ trong diện tái cơ cấu đang đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn. Khi lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay cũng không thể giảm được.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Viết Ngoạn đưa ra quan điểm mặc dù trong năm 2018 sức ép lạm phát nhiều hơn năm 2017 nhưng vẫn trong vòng kiểm soát tốt.

Theo đó, năm nay điều kiện giảm lãi suất so với 2017 khó khăn hơn trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu và phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút người dân gửi tiết kiệm VND.
Đó là chưa kể chính ngân hàng cũng cần giữ chênh lệch đầu vào - đầu ra hợp lý để có mức lợi nhuận hợp lý có dự phòng trang trải nợ xấu.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng đưa ra phân tích khả năng giảm lãi suất là rất khó vì 4 nguyên nhân. Đó là, lãi suất đầu vào khó giảm; nợ xấu hiện đã được xử lý nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn còn chậm; chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2 – 2,4% trong khi Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8 – 3%; chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao. Chính vì vậy, ông Cấn Văn Lực kết luận, việc giảm lãi suất là khó.
Chia sẻ về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho rằng, lãi suất ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan hệ cung cầu vốn ở trên thị trường, tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố khác có liên quan như: chính sách điều hành tỷ giá, tình hình an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nhưng quan điểm xuyên suốt của Chính phủ và của Ngân hàng nhà nước là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được lạm phát ở mức thấp.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong các hoạt động kinh doanh của mình phải tập trung vào việc tiết giảm chi phí để qua đó giảm được chi phí cho vay trong nền kinh tế. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Trên cơ sở đạt được kết quả tốt về xử lý nợ xấu sẽ góp phần giảm bớt những tài sản không sinh lời trong hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó cũng trực tiếp góp phần giảm lãi suất cho vay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục