Khó khăn đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị

20:46' - 26/05/2023
BNEWS Những cửa hàng bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng tại thành phố Pleiku ngày càng nhiều, nhưng tại các trung tâm bán lẻ sẽ rất khó tìm các sản phẩm này.
Có mặt trên các kệ hàng của các chuỗi bán lẻ luôn là ước mơ của không ít chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Tại tỉnh Gia Lai, hiện có trên 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vài năm gần đây, chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương ngày càng ổn định. Những cửa hàng bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng tại thành phố Pleiku ngày càng nhiều, nhưng tại các trung tâm bán lẻ sẽ rất khó tìm các sản phẩm này.

 

Điển hình tại siêu thị CO.OP Mart Pleiku, trong vô vàn sản phẩm có mặt trên các kệ hàng, phải khó khăn lắm mới tìm thấy được một vài sản phẩm OCOP tại đây, ngoài gian hàng do đơn vị hỗ trợ cho thuê mặt bằng.

Ông Võ Thành Tuân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhất Nông Gia Lai chia sẻ, qua thời gian vận hành gian hàng tại siêu thị, chúng tôi từng bước hoàn thiện mình, thay đổi mẫu mã sản phẩm để có thể tiếp cận với các trung tâm thương mại trong tương lai gần. Tuy nhiên, sức tiêu thụ các sản phẩm này đang không được tốt.

Việc có mặt trên các kệ hàng của các chuỗi bán lẻ luôn là ước mơ của không ít chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhưng, để đưa một sản phẩm lên kệ hàng của hệ thống các siêu thị bán lẻ lớn, trung tâm thương mại luôn đòi hỏi những yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể. Nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe thì các tiêu chuẩn này càng nhiều hơn. Không nhiều sản phẩm OCOP đạt được các tiêu chuẩn này.

Ông Bùi Quốc Bình, Giám đốc Siêu thị CO.OP Mart Pleiku, Gia Lai phân trần, để vào được các chuỗi siêu thị đòi hỏi nhiều quy định về thủ tục hồ sơ. Nhiều đơn vị còn thiếu nhiều thủ tục pháp lý nên rất khó để sắp xếp các kệ hàng. Để cho các nhà sản xuất địa phương đạt được tiêu chuẩn cần có nhà nước hỗ trợ.

Với các hợp tác xã, doanh nghiệp có tiềm lực, việc được đứng chân trong các hệ thống siêu thị lớn đã khó, với các cá nhân kinh doanh, buôn bán các mặt hàng OCOP lại càng khó khăn.

Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương dù được người tiêu dùng đón nhận nhưng các hồ sơ sản phẩm, nhất là các chứng nhận về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến không đạt yêu cầu. Một hạn chế dễ thấy, trực quan nhất ở các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương chính là thiết kế đơn giản, chưa thu hút người tiêu dùng, mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu thương mại.

Những khó khăn việc đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị do một số doanh nghiệp thiếu kỹ năng phát triển thị trường, chưa xây dựng được chính sách bán hàng, tỷ lệ chiết khấu cho nhà phân phối hoặc không muốn đưa sản phẩm vào bán tại siêu thị do thời gian thanh toán chậm, số lượng hàng tồn kho nhiều nên dễ ứ đọng vốn.

Do vậy, ngành công thương Gia Lai cần có những chính sách hỗ trợ hơn nữa trong việc kết nối cung cầu đến các chuỗi siêu thị lớn để sản phẩm OCOP Đà Nẵng tiếp cận đến người tiêu dùng khơi thông dòng vốn nhanh chóng phục hồi kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục