Khó khăn vùng mía Trà Vinh - Bài 2: Thêm khổ vì nhà máy nợ tiền

12:06' - 01/06/2018
BNEWS Cứ tưởng sự thiệt hại do vụ thu hoạch mía muộn đã là quá đủ, nhưng nỗi khổ của người nông dân trồng mía Trà Vinh vẫn chưa có hồi kết.

Hàng nghìn hộ nông dân bán mía cho Nhà máy Mía đường Trà Vinh (Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh) gần 3 tháng nay vẫn chưa nhận đủ số tiền của mình. Nhiều hộ nông dân đã buộc phải bán đất cho doanh nghiệp đầu tư trồng mía để trừ khoản nợ và tiền lãi.

Người dân thu hoạch mía. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Nông dân trồng mía ở huyện Trà Cú rất bức xúc vì bao khó khăn vây lấy cuộc sống gia đình. Nhiều người dân đã tìm đến UBND xã Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn và cả UBND huyện Trà Cú để nhờ chính quyền can thiệp và yêu cầu Nhà máy Mía đường Trà Vinh trả nợ tiền bán mía của dân.

Người dân bán mía cho nhà máy đã hơn 3 tháng nay nhưng chỉ nhận được số tiền từ 20 - 30%, thậm chí nhiều hộ vẫn chưa nhận đồng nào. Trong khi đó, theo hợp đồng cam kết của nhà máy là sẽ thanh toán tiền mua mía của nông dân chỉ từ 3 – 5 ngày. Thường niên, cứ kết thúc vụ thu hoạch mía, nông dân nhận được tiền là bắt tay vào đầu tư tái sản xuất cho vụ mía năm sau từ tháng 2 - 3 và muộn lắm là trong tháng 4.

Thế nhưng, do thất thu trong việc thu hoạch mía trễ thời hạn, cộng thêm chưa nhận được tiền bán mía nên đến thời điểm này, vùng mía Trà Cú không có mấy nông dân hứng khởi việc tái sản xuất nên nhiều diện tích mía bị bỏ mặc.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú Huỳnh Văn Thảo, năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động nông dân trồng mía rải vụ. Mùa vụ xuống giống theo kế hoạch là kết thúc vào cuối tháng 5 nhưng đến nay diện tích mía niên vụ 2018 – 2019 chỉ xuống giống được gần 3.000 ha. Đây gần như chỉ là diện tích mía lưu gốc của vụ mía 2017 – 2018, còn diện tích xuống mía giống mới hầu như hoàn toàn không có.

Ông Kim Khương, ấp Lưu Cừ I, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, thất thu vụ mía năm nay, cộng thêm tiền bán mía đến nay vẫn chưa được nhận đủ, gia đình ông và rất nhiều nông dân đã chán đầu tư cho vụ mía mới.

Khó khăn nhất hiện nay là không có tiền để trả nợ vay và tiền lãi đầu tư cho doanh nghiệp Song Yến bởi thời gian qua trồng mía rất bấp bênh về giá cả, nông dân luôn bị thua lỗ. Nợ năm trước chồng lên năm sau, nhiều hộ nông dân không còn khả năng để trả nên kêu doanh nghiệp bán đất trừ nợ.

Bà Nguyễn Ngọc Yến, chủ doanh nghiệp Song Yến cho biết, nhiều năm nay, bà đã đầu tư vốn cho nông dân huyện Trà Cú trồng mía theo khung lãi suất ngân hàng, nông dân thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tính ở vụ mía 2017 – 2018, tổng số tiền doanh nghiệp đã đầu tư lên đến hơn 60 tỷ đồng cho hơn 200 hộ, tương đương gần 200 ha.

Vốn đầu tư không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp bà đang kêu sang nhượng lại cho cá nhân, doanh nghiệp khác có nhu cầu. Ngoài ra, nhiều nông dân không còn khả năng trả nợ đã kêu doanh nghiệp bà chuyển nhượng đất thế chấp, bỏ nghề trồng mía để tìm kế sinh nhai khác.

Bà Nguyễn Ngọc Yến cho biết thêm, việc lấy đất trừ nợ là điều không mong muốn, nhưng với tình trạng trồng mía gặp nhiều khó khăn về đầu ra, nhà máy lại nợ tiền mía của nông dân, ảnh hưởng đến việc chậm thu hồi vốn đầu tư. Có thể doanh nghiệp của bà sẽ chấp nhận lấy đất của nông dân sang nhượng lại cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sản xuất, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thu hoạch mía. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Qua phản ánh trực tiếp của người dân tại UBND huyện Trà Cú, tuy không được Chủ tịch UBND huyện Lê Hồng Phúc trực tiếp tiếp dân, nhưng ông cũng đã có động thái làm việc với Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh xoay quanh việc giải quyết tiền nợ mía của nông dân.

Theo đó, phương án giải quyết là Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp huyện Trà Cú cho công ty thế chấp 4.000 tấn đường để vay số tiền 30 tỷ đồng để trả nợ nông dân. Số tiền này nếu so với tổng số nợ tiền mía của nông dân chiếm chưa tới 40% và công ty cũng chỉ trả cho nông dân theo cách “nhỏ giọt”. Trong khi đó, lượng mía mà nhà máy đã sản xuất thành đường từ vụ đến nay ít nhất 14.000 tấn.

Ông Phạm Chí Thiện, khóm 7, thị trấn Định An cho biết, nông dân trồng mía đang rất bức xúc việc nhà máy mía đường Trà Vinh thiếu thiện chí với nông dân. Từ đầu vụ chậm vào hoạt động, thu mua mía chậm trễ, khi đi vào sản xuất thì tiến độ gần như “cầm chừng”. Tiền mua mía lại nợ nông dân không đúng theo với hợp đồng đã cam kết, nhưng vẫn không có lời hứa chắc chắn sẽ thanh toán vào thời hạn nào.

Trước tình hình khó khăn của nông dân trồng mía, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái cho biết, UBND tỉnh Trà Vinh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Trà Vinh chỉ đạo cho Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp huyện Trà Cú cùng UBND huyện Trà Cú sẽ tiếp tục khảo sát làm việc cùng Công ty Cổ phần mía đường Trà Vinh để tiếp tục cho vay trả nợ cho dân. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sâu sát giúp nông dân sớm nhận được tiền để tái sản xuất và trang trải cuộc sống.

Về giữ gìn và phát triển vùng mía nguyên liệu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh Trần Trung Hiền cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành khảo sát lại cụ thể về vùng qui hoạch để áp dụng việc thay đổi giống mía chất cao, trồng mía rải vụ, Những vùng khó khăn về điều kiện vận chuyển, có khả năng chuyển đổi cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao sẽ xóa bỏ qui hoạch.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiên cứu áp dụng cơ giới hóa cho nghề trồng mía từ khâu chăm sóc đến thu hoạch nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục