Tái cơ cấu ngành mía đường theo hướng đầu tư khoa học công nghệ

15:21' - 25/05/2018
BNEWS Ngành mía đường Việt Nam đang có kế hoạch thực hiện tái cơ cấu theo hướng đầu tư khoa học công nghệ, nhằm tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Phương pháp trồng mía bằng vệ tinh định vị giúp giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Đây là thông tin do ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra tại buổi trao đổi với báo chí về Giải pháp tiêu thụ mía đường niên vụ 2017-2018 do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức ngày 25/5 tại Tp. Hồ Chí Minh. 

Theo ông Phạm Hồng Dương, trong năm 2018, giá đường thế giới đang lên do một số thị trường đường trên thế giới giảm năng suất. Vì vậy, ngành mía đường Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển. Thời gian tới, ngành mía đường Việt Nam sẽ kiến nghị với Chính phủ để đưa ra giá đường linh động, giảm mức tồn kho nhằm đảm bảo thị trường linh hoạt, phát triển hơn và cạnh tranh được với thị trường các nước, nhất là đối với Thái Lan. 

Đồng thời, kiến nghị các bộ ngành để ngăn chặn nhập đường lậu, thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng các loại đường đảm bảo an toàn. Bân cạnh đó, các nhà máy đường sẽ đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại để giảm giá thành sản xuất, sắp xếp kênh phân phối phù hợp. Hiện nay, ngành mía đường Việt Nam có thị trường phân phối đi qua khá nhiều khâu trung gian từ cấp 1 đến cấp 2, cấp 3 dẫn đến chi phí phân phối cao, vì vậy cần giảm khâu trung gian để giảm chí phí phân phối. 

Theo các doanh nghiệp sản suất mía đường, việc trồng mía phân tán, manh mún ở các địa phương dẫn đến khó cơ giới hóa, khiến năng suất thấp và thị trường nguyên liệu mía không ổn định. Đối với vấn đề này, ông Phạm Hồng Dương cho biết, người trồng mía ở Việt Nam phần lớn canh tác trên cánh đồng nhỏ và theo kinh nghiệm là chủ yếu nên năng suất mía đường thấp. Ngành mía đường sẽ thực hiện kế hoạch đầu tư khoa học kỹ thuật, liên kết các công ty đường để tạo ra cây giống mới có năng suất cao hơn. 

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các vùng mía nguyên liệu đều có ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân và nhà máy đường. Tỷ lệ mía bán trôi nổi của người dân với các nhà máy đường rất ít nên sẽ đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy đường. 

Ông Phạm Hồng Dương cho biết thêm, có nhiều đánh giá cho rằng, giá đường Việt Nam hiện cao hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đánh giá này đang so sánh giữa đường trên thị trường tiêu thụ với đường nhập lậu và trên thực tế, giá đường bán lẻ của Việt Nam hiện nay không cao hơn các nước trong khu vực. 

Thái Lan hiện là một trong những nước xuất khẩu đường lớn ở khu vực châu Á cũng như thế giới. Thị trường đường Thái Lan hiện chia thành 3 giá thành khác nhau bao gồm: giá bán lẻ, giá đường thô sử dụng nội bộ và giá đường xuất khẩu. Thái Lan đang dùng chính sách mà WTO gọi là chuyển lợi ích người tiêu dùng sang nhà sản xuất với mục đích lấy giá xuất khẩu rẻ để tăng tính cạnh tranh với giá thành đường nội địa các nước nhập khẩu. 

Hiện nay, đường nhập khẩu thì đường nhập lậu của Thái Lan vào thị trường Việt Nam rất lớn với giá khoảng 11.200 đồng/kg, vì vậy, cần tuyên truyền rộng rãi cho người tiêu dùng về việc sử dụng các loại đường sạch, đảm bảo an toàn. Đồng thời, các nhà máy đường Việt Nam cần có giải pháp cải tiến sản phẩm, đưa ra những sản phẩm đường sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường nội địa./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục