Khó kiểm soát rượu "độc", nguyên nhân do đâu?

14:41' - 12/04/2017
BNEWS Mặc dù tích cực truy xuất nguồn gốc rượu “độc” nhưng tình hình ngộ độc rượu methanol tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.
Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Hà Nội thu giữ hơn 1000 lít rượu không rõ nguồn gốc tại số nhà 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ngày 9/3/2017. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 22/2 - ngày 9/4, trên địa bàn thành phố có 27 bệnh nhân bị ngộ độc methanol, các bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 – 60, đa số các trường hợp trên là người nghiện rượu, hay uống rượu, đã uống rượu ở các địa chỉ khác nhau, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Để truy xuất nguồn gốc rượu “độc”, các ngành chức năng Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, tập trung cao điểm tại các cơ sở do bệnh nhân khai báo.

Qua kiểm tra tại 6.223 cơ sở, đã niêm phong 56.943,3 lít rượu, 1.385 chai rượu, 17 bình rượu, 2 chum rượu (67kg), 4,9 kg men rượu, 1.559 vỏ chai rượu nhãn hiệu Sơn Tinh, 28.500 nhãn rượu nếp nương Vĩnh Thái, 230 nắp chai màu đỏ, 1.054 quả dừa có rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, đoàn kiểm tra đã cảnh cáo, xử lý 866 cơ sở; tiêu hủy 2.153,2 lít rượu không nguồn gốc; xử phạt hành chính trên 1,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số trên 2000 mẫu rượu được xét nghiệm đã phát hiện 5 mẫu rượu có methanol vượt giới hạn cho phép (gồm 1 mẫu tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính ở quận Thanh Xuân; 1 mẫu tại cửa hàng cơm số 1 Trung Liệt, Đống Đa; 1 mẫu ở cơ sở cơm Vĩnh Thành, số 95 khu giãn dân Mộ Lao, Hà Đông; 2 mẫu tại quán cơm 38 Chùa Láng, Đống Đa).

Các cơ quan chức năng đang phối hợp truy xuất nguồn gốc rượu liên quan đến các bệnh nhân. UBND thành phố đã giao cho lực lượng công an vào cuộc điều tra, truy nguyên nguồn gốc, khởi tố vụ việc nếu vi phạm nghiêm trọng theo quy định.

Bước đầu phát hiện rượu nhãn “Duy Hảo” ở huyện Thanh Oai không bảo đảm an toàn thực phẩm và đang tiếp tục truy xuất nguồn gốc.

Thực tế thời gian qua các cấp, ngành và địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhưng do thủ tục đăng ký sản xuất rượu rườm rà nên tình trạng rượu không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên thị trường.

Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản suất kinh doanh rượu nêu rõ, thẩm quyền cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công Thương thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

Đối với những cơ sở sản xuất rượu thủ công bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì cơ sở đó phải đăng ký với UBND xã, phường tại nơi đặt cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đều là những cơ sở sản xuất rượu thủ công, chưa được Phòng Kinh tế quận, huyện, thị xã hay chính quyền xã, phường tuyên truyền hướng dẫn cụ thể. Lý do các hộ sản xuất rượu thủ công đưa ra là thủ tục cấp phép sản xuất rượu khá phức tạp, rườm rà.

Mặt khác, các địa phương chưa bố trí được nguồn ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm nên việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hàm lượng methanol trong rượu chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo các cơ quan chức năng, để kiểm soát tận gốc việc sản xuất rượu cần nâng cao vai trò của UBND các cấp trong việc tổ chức hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất theo quy định; cần đẩy mạnh việc kiểm tra các làng nghề, cơ sở nấu rượu nhằm ngăn chặn việc sản xuất, vận chuyển rượu không bảo đảm chất lượng về tiêu thụ tại Hà Nội.

Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm trong sản xuất rượu thủ công, kinh doanh bán lẻ rượu; có định hướng quy hoạch khu vực, địa điểm kinh doanh rượu…/. 

>>>Xử trí khi bị ngộ độc rượu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục