Khó tiếp cận chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

19:35' - 08/08/2023
BNEWS Sau 5 năm thực hiện, số doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân được tiếp cận chính sách quá “khiêm tốn”. Toàn tỉnh chỉ có 4 dự án và 1 kế hoạch liên kết được thực hiện.
Chiều 8/8, tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nội dung trên; Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh .

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, sau 5 năm thực hiện, số doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân được tiếp cận chính sách quá “khiêm tốn”. Toàn tỉnh chỉ có 4 dự án và 1 kế hoạch liên kết được thực hiện trên diện tích 1.048 ha lúa và 28 ha màu, với gần 850 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện 5 chuỗi liên kết này theo phê duyệt hơn 178 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng.

 
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân được hưởng lợi từ chính sách, ông Nguyễn Trung Hoàng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép cùng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã… đến mọi người dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức biết và thực hiện.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

UBND cấp huyện tích cực kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh lại danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng để khuyến khích ưu tiên liên kết; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát những tồn tại, hạn chế của các chuỗi liên kết hiện nay để tìm giải pháp phát triển phù hợp.

Đối với những vướng mắc từ quy định của chính sách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo chính sách phát huy tính hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, thực hiện nghị định và  nghị quyết trên, 5 năm qua, tỉnh Trà Vinh chỉ có 2/16 ngành hàng, sản phẩm (lúa và rau màu) tiếp cận chính sách. Các ngành hàng còn lại như ngô, lạc, mía đường, dừa, thanh long, cam, bò, lợn, gà, vịt, cá lóc, cá tra, tôm, cua …đến nay vẫn chưa có dự án đăng ký triển khai.

Việc thực hiện chính sách trên bị hạn chế do nhiều nguyên nhân như hợp tác xã thiếu kinh phí đối ứng, chưa có năng lực xây dựng dự án, kế hoạch liên kết; việc tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết gặp khó do thị trường nông sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm nữa, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khiến chất lượng, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp hoặc yêu của đối tác nhập khẩu.

Cùng đó, để được nhận hỗ trợ, thời gian liên kết tối thiểu theo quy định quá dài (3 năm hoặc 5 năm tùy sản phẩm) rất khó thực hiện do thị trường đầu ra của hầu hết các nông sản không ổn định, giá cả thay đổi theo mùa, theo vụ.  Trong khi nông dân và các tổ chức sản xuất ưa chuộng phương thức hợp đồng bán sản phẩm theo giá thị trường hoặc ngắn hạn (1-2 vụ)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục