Khoa học, công nghệ là khâu then chốt để phát triển ngành chăn nuôi

15:31' - 15/12/2015
BNEWS Những năm qua, việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong chăn nuôi chậm, chưa theo kịp thế giới.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, 10 năm ngành chăn nuôi phát triển và hội nhập (2005-2015) và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, “Đổi mới tư duy sản xuất, xác định khoa học và công nghệ là khâu then chốt để đảm bảo phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh”.

Mô hình nuôi (R)gà đẻ trứng sử dụng nền đệm lót sinh học mang lại hiệu quả tại xã Long Đức, huyện Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Ngành chăn nuôi luôn có mức tăng trưởng khá, riêng giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành vẫn duy trì từ 3 đến 5%/năm. Tổng sản lượng thịt hơi tăng bình quân 3,38%/năm; trong đó thịt lợn tăng 2,72%/năm; thịt gia cầm và trứng tăng tương ứng là 10,07%/năm và 7,56%/năm; sản lượng sữa tươi tăng 22,1%/năm. Ước tính sơ bộ, tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2015 đạt 205.440 tỷ đồng.

Nhiều loại giống mới được sử dụng có hiệu quả như giống lợn, gia cầm, bò. Các giống vật nuôi đều phong phú, đa dạng về chủng loại có nguồn gốc khác nhau và được nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen và phát huy nhiều lợi thế về chất lượng, sự thích nghi với điều kiện, phương thức nuôi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các loại giống bản địa đã phát huy lợi thế như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà Hồ, gà Mía…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, thực tế, mô hình chăn nuôi hiện nay vẫn phân tán nhỏ lẻ. Trong tổng số hơn 4,1 triệu hộ nuôi lợn thì số hộ nuôi quy mô nhỏ (dưới 10 con/hộ) chiếm tới 86,4% tổng số hộ, nhưng chỉ sản xuất 34,2% tổng sản lượng thịt lợn. Về gia cầm, hiện có gần tám triệu hộ; trong đó số hộ nuôi quy mô dưới 100 con/hộ chiếm 89,62%, và chỉ sản xuất được khoảng 30% tổng sản lượng thịt gia cầm.

Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên việc áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp ở hầu hết các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ, gia trại và ở đa số doanh nghiệp còn hạn chế. Hình thức tổ chức sản xuất còn bị cắt khúc, chưa xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi.

Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh mới phát sinh, nhất là các bệnh lở mồm long móng, các chủng loại cúm gia cầm, bệnh tai xanh... tuy được triển khai nhưng hiệu quả chưa như mong muốn; đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong chăn nuôi chậm, chưa theo kịp thế giới.

Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, với những cam kết của các nước thành viên TPP cũng như các FTA, ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm Việt Nam đang có cơ hội đứng trước “sân chơi” rộng mở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng đi liền với đó, ngành chăn nuôi cũng phải từng bước tự đổi mới nếu không muốn loại khỏi “cuộc chơi”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục