Khoảng 1,3 triệu lao động nước ngoài đã rời khỏi Anh do dịch COVID-19

10:40' - 26/01/2021
BNEWS Theo dữ liệu phân tích của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), khoảng 1,3 triệu lao động nước ngoài đã rời khỏi Anh do dịch COVID-19 bùng phát, trong đó 700.000 người ở London.

Lorenzo di Cretico, quản lý người Italy tại một nhà hàng ở trung tâm London, đã chuyển đến Anh từ 12 năm trước với nhiều hoài bão.

Trước đó, Lorenzo đã từng là quản lý của một nhà hàng ở Rome, nhưng anh muốn học tiếng Anh và nói rằng “London luôn là giấc mơ của tôi”. Chỉ trong chưa đầy một tuần từ khi sang Anh, anh đã tìm được một công việc phù hợp cho mình.

Tuy nhiên, bây giờ, anh Lorenze đang trên đường trở về Italy. Cả năm qua, anh chỉ làm việc được khoảng 4 tháng, do nhà hàng phải đóng cửa do dịch COVID-19 và khả năng còn mất thêm nhiều thời gian nữa để có thể được mở cửa trở lại. Do vậy, anh đã quyết định quay về và mở quán ăn của riêng mình ở Rome.

Theo dữ liệu phân tích của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), anh Lorenzo là một trong số khoảng 1,3 triệu người lao động nước ngoài mà theo ước tính đã rời khỏi Anh do dịch COVID-19 bùng phát, trong đó 700.000 người ở London.

Văn phòng thị trưởng London cho biết thủ đô của Anh đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng lớn nhất trong 30 năm qua, với “một tỷ lệ đáng kể” lao động không phải là người Anh trong số những người bị ảnh hưởng.

Ông Stefan Gonera đã sống ở London hơn 20 năm, đầu tiên làm công nhân trên các công trường xây dựng trước khi trở thành một thợ sửa ống nước tự kinh doanh. Nhưng khi đại dịch xảy ra, công việc ít dần, ông đã quyết định quay trở lại Rybnik, Ba Lan vào tháng Tám năm ngoái và không nghĩ về việc quay lại.

Brexit cũng đã khiến nhiều người phải cân nhắc lựa chọn ở lại hay rời khỏi Anh, nhưng dịch COVID-19 đã khiến nhiều trong số đó quyết định rời đi.

Với những sai lầm của chính phủ Anh trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đợt dịch COVID-19 cũng như tốc độ lây lan chóng mặt của biến thể mới, các nhóm cộng đồng người nước ngoài cho rằng nhiều người đã rời khỏi Anh sẽ không bao giờ quay trở lại.

Các lĩnh vực có số lượng nhân viên không mang quốc tịch Anh giảm nhiều nhất là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiệt hại kinh tế do khủng hoảng gây ra. ONS ước tính rằng khoảng 158.000 lao động nước ngoài đã rời bỏ hoặc mất việc làm trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú, trong khi hơn 217.000 người trong ngành bán lẻ đã rời khỏi Anh. Các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng và vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Các nghiệp đoàn và nhóm cộng đồng người nước ngoài đã nêu ra các lý do khiến lao động nước ngoài rời bỏ Anh. Một số đã không được hỗ trợ đầy đủ về tài chính trong thời gian dịch xảy ra, trong khi những người khác lo sợ rằng việc hạn chế đi lại sẽ khiến họ bị cô lập với bạn bè và gia đình trong thời gian dài. Anh Lorenzo nói rằng, nếu Brexit không xảy ra, anh sẽ cân nhắc việc ở lại "lâu hơn một chút".

Ông Maike Bohn, đồng sáng lập của tổ chức the3million, đại diện cho các công dân Liên minh châu Âu (EU) sống ở Anh, ước tính có nhiều người giống như ông Gonera, những người cảm thấy tình hình tài chính sẽ tốt hơn và được gần gũi với gia đình hơn khi trở về nhà.

Ngoài ra còn có các vấn đề cụ thể theo ngành. Anh Dave Turnbull, nhân viên phụ trách lĩnh vực khách sạn của nghiệp đoàn Unite, cho biết nhiều lao động nhập cư làm việc trong các lĩnh vực như khách sạn đang sống trong khu nhà dành cho nhân viên nhận thấy rằng khi các công ty cắt giảm việc làm, họ sẽ bị đuổi khỏi các khu nhà này.

Chị Nadyalka Boncheva, một thợ máy dệt làm việc cho Fashion-Enter, một nhà sản xuất hàng may mặc phi lợi nhuận chuyên cung cấp cho các nhà bán lẻ chính thống như Asos và N Brown, đã trở về quê nhà tại Bungary vào dịp Giáng sinh vừa qua, do lo sợ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, và khi tình trạng lây lan nhanh tại Anh càng khiến chị lo sợ và sẽ không quay trở lại Anh.

Nhiều chủ doanh nghiệp lo ngại rằng xu hướng người nước ngoài rời khỏi Anh sẽ khiến tình trạng thiếu hụt lao động sẽ trở nên nghiêm trọng.

Bà Jenny Holloway, Giám đốc điều hành của Fashion-Enter, cho biết 16% trong số 192 nhân viên của công ty đến từ Đông Âu và một số đã không trở lại kể từ Giáng sinh. Bà đã phải tìm mọi cách để tìm nhân viên có tay nghề cao kể từ Brexit vì các thợ máy không được miễn trừ các quy tắc nhập cư và lo ngại rằng nhu cầu về quần áo tăng cao trong thời gian phong tỏa sẽ khiến công ty rơi vào tình trạng thiếu nhân lực.

Ông Graham Watts, Giám đốc điều hành của Hội đồng Xây dựng Công nghiệp, cho biết nhiều địa điểm xây dựng đã hoạt động dưới công suất, với một số cơ sở đã mất hơn 20% lực lượng lao động.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của cơ quan thương mại sản xuất Make UK vừa được công bố vào tháng này cho thấy, 1/3 công ty sản xuất tại Anh tin rằng khả năng thu hút nhân tài quốc tế của nước sẽ giảm.

Trong các ngành như bán lẻ và sản xuất, tỷ lệ lao động sinh ra ở nước ngoài giảm một phần đã được bù đắp bởi sự tăng tốc của tự động hóa và khách hàng muốn giảm thiểu sự tiếp xúc của con người.

Nhưng trong các ngành dịch vụ như khách sạn, tác động của sự thiếu hụt có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn. Jeremy Goring, Giám đốc điều hành khách sạn The Goring ở Belgravia, London, cho biết, khi hoạt động kinh doanh được cho phép mở cửa trở lại, việc tuyển dụng công dân Anh sẽ không giải quyết được vấn đề, khi người châu Âu là một trong những chuyên gia khách sạn lành nghề nhất tại Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục