Khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại

14:18' - 10/07/2019
BNEWS Sáng 10/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ.

Dự án hỗ trợ kỹ thuận Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã được Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản, Tổng cục Hải quan là chủ dự án. Tổng vốn viện trợ của dự án là hơn 21,7 triệu USD (tương đương gần 500 tỷ đồng).

Dự án sẽ thực hiện trong 5 năm với mục tiêu tổng thể là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới và chủ trương của Chính phủ về cải cách việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Chiến lược thực hiện của Dự án sẽ từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh. Ở cấp Trung ương, dự án sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các bộ chủ quản; hỗ trợ đổi mới chính sách về tạo thuận lợi thương mại; hỗ trợ Ủy ban 1899; đẩy mạnh quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.

Ở cấp tỉnh, dự án sẽ tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương; hỗ trợ thực hiện Hiệp định TFA; góp phần cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ áp dụng thống nhất các thủ tục giữa các tỉnh; đẩy mạnh quan hệ đối tác với khu vực tư nhân...

Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, trong xu thế phát triển hiện nay, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại có vai trò hết sức quan trọng, có tác động tích cực và trực tiếp tới các quốc gia, mang lại lợi ích to lớn cho cho nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam, với tư cách là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, cũng đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định TFA vào ngày 26/11/2015.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, từ năm 2016, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban 1899) đã được thành lập với cơ quan thường trực đặt tại Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).

Phó Thủ tướng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam xử lý được gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29,8 nghìn doanh nghiệp tham gia. Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối với 5 nước ASEAN.

Hiện tại hệ thống của Việt Nam đang chấp nhận kiểm nghiệm kết nối từ các nước thành viên ASEAN khác và sẵn sàng thử nghiệm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử giữa các nước đã kết nối.

Cùng với đó, các bộ, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp như thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số hồ sơ bãi bỏ những quy định không phù hợp…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu và còn nhiều việc cần phải triển khai quyết liệt để đảm bảo sự đồng bộ và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng đánh giá dự án là thiết thực, đúng thời điểm và cần thiết, đáp ứng được yêu cầu mong đợi của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TFA của WTO và tổ chức triển khai các FTA thế hệ mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chủ quản của dự án, chủ trì phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng như khu vực kinh tế tư nhân tổ chức triển khai dự án một cách hiệu quả bảo đảm mục tiêu tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan tham gia dự án cần phối hợp tốt với Bộ Tài chính để triển khai dự án hiệu quả nhất.

Ông Daniel J.Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Việt Nam để thực hiện dự án tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt hướng tới việc hài hòa hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Theo ông Daniel J.Kritenbrink, hiện các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Vì thế, Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục duy trì đối tác hiệu quả với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các đối tác khác và cộng đồng doanh nghiệp để tạo điều kiện tối ưu nhất cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan đã chủ động thực hiện theo Nghị định TFA; xây dựng triển khai hệ thống hải quan tự động tập trung, tuân thủ chuẩn mực quy định quốc tế; mạnh dạn cải tổ bộ máy, phương thức làm việc, nâng cao năng suất lao động, tinh giản bộ máy trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng đã cùng với các bộ, ngành đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà, trùng lắp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cam kết ngành hải quan sẽ tập trung mọi nguồn lực, đồng hành cùng USAID triển khai hiệu quả, đúng tiến độ. Tuy nhiên, ngành hải quan cũng mong muốn sự phối hợp, trao đổi thường xuyên, tham gia tích cực của các bộ, ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục