Khởi nghiệp ở vùng đất sen hồng

14:52' - 12/03/2019
BNEWS Đồng Tháp là địa phương có giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 50% trong tổng cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính cho đại đa số người dân nông thôn.
Bạn Ngô Ngọc Anh – người sáng lập dự án nhang sen Liên Tâm. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Với lợi thế từ nguồn nguyên liệu nông nghiệp, nhiều bạn trẻ tại vùng đất sen hồng đã khéo léo khai thác tài nguyên bản địa sáng tạo ra những sản phẩm giá trị, chung tay xây dựng địa phương.

Bạn Ngô Ngọc Anh, sinh năm 1995, ngụ xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh đã trăn trở và tìm hướng phát triển sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng lại bị xem là phế phẩm bỏ đi.

Từ những vỏ gương sen trở thành rác sau khi tách hạt, Ngọc Anh “biến hóa” thành những nén hương an toàn cho sức khỏe người dùng, thân thiện với môi trường.

Bạn Ngô Ngọc Anh – người sáng lập dự án nhang sen Liên Tâm chia sẻ: Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, ý tưởng phải làm điều gì đó để cây sen quê hương Đồng Tháp được nâng tầm giá trị luôn thôi thúc Ngọc Anh. Nghĩ là làm, Ngọc Anh miệt mài tìm tòi, nghiên cứu.

Những tháng cuối năm 2017, “những đứa con” đầu tiên ra đời. Mặc dù chưa hoàn chỉnh nhưng đối với cô gái vừa tròn 22 tuổi, niềm vui như vỡ òa vì có thể phát triển sản phẩm nhang sạch từ phế phẩm của cây sen như một giải pháp hữu hiệu vừa gia tăng giá trị kinh tế cho cây sen, vừa đẩy mạnh thương hiệu sen Đồng Tháp.

Ngọc Anh cho biết, ưu điểm nổi bật của sản phẩm nhang sen Liên Tâm là được sản xuất 100% nguyên liệu tự nhiên từ sen, không sử dụng hóa chất tạo màu, tạo mùi.

Nhang sen khi đốt có mùi đặc trưng vốn có của loài sen và ít khói so với các dòng nhang từ bột gỗ, bột trầm, quế hiện nay. Khói tự nhiên sẽ hạn chế việc kích ứng mũi, mắt khi mắt tiếp xúc.

Mang tâm huyết của sức trẻ, cùng sự khéo léo, Ngọc Anh cùng các cộng sự không ngừng hoàn thiện sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu đa dạng, cơ sở nhang sen Liên Tâm còn ra mắt thị trường nhiều dòng sản phẩm như quýt, tràm, bạch đàn.

Hiện tại, những mặt hàng Ngọc Anh sản xuất được người tiêu dùng đón nhận và tiêu thụ tốt nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp, An Giang.

Lương Thị Diễm Trinh, cô gái sinh năm 1993 tại làng hoa Sa Đéc cũng vậy. Mang tình yêu với hoa, gắn bó với hoa, nỗi buồn lớn nhất với cô gái trẻ là những cánh hoa bị phí phạm, đổ bỏ xuống kênh rạch sau những đợt tỉa cành. Diễm Trinh chia sẻ: Theo học sư phạm chuyên ngành hóa sinh lại được sinh ra ở làng hoa nên bản thân em thường sưu tầm và tìm hiểu về các công dụng của hoa.

Qua tìm hiểu, phát hiện ra hoa không chỉ làm đẹp mà còn có thể dùng trong thực phẩm, tốt cho sức khỏe nữa nên em quyết định tận dụng nguồn hoa sẵn có tại địa phương để tạo ra các sản phẩm trà thiên nhiên.

Cô gái sinh năm 1993 Lương Thị Diễm Trinh. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Tận dụng diện tích hơn 1.000 m2 của gia đình, Trinh trồng hoa đậu biếc, đinh lăng, nguyệt quế... Tất cả đều được trồng theo phương pháp sinh học, không sử dụng phân bón hóa học để có nguồn nguyên liệu sạch. Ngoài ra, Trinh còn liên kết với các nhà vườn trồng hoa hồng theo hướng hữu cơ để có nguyên liệu sản xuất trà hoa hồng.

Trinh tâm sự, rất tiếc nguồn nguyên liệu hoa tại địa phương phong phú, dồi dào nhưng hầu như không thể sử dụng để chế biến thành thực phẩm vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Những thứ “đổ sông, đổ biển” này có thể mang lại giá trị rất cao nếu người nông dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn hơn.

Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố Sa Đéc - trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp được biết đến là một thành phố hoa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Sa Đéc có hơn 500 ha sản xuất hoa cảnh với hơn 2.300 hộ dân sống bằng ngành nghề này.

Theo ước tính của Phòng Kinh tế huyện Sa Đéc, năm 2018, giá trị sản xuất hoa cảnh đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Bà Ngô Thúy Hiền – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sa Đéc cho biết, giá trị từ ngành hoa, kiểng từng bước giúp người dân có đời sống khấm khá.

Thực tế trước đây, người dân chỉ khai thác hoa từ gốc độ làm cảnh, trang trí; vượt qua các giá trị đó, hoa còn có thể vào bàn ăn, gian bếp của chị em, để trở thành nguồn thực phẩm trong đời sống hằng ngày. Để “đánh thức” giá trị từ hoa “bị bỏ quên”, phụ nữ Sa Đéc có mở nhiều lớp ẩm thực từ hoa.

Từ đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp góp phần nâng giá trị của hoa Sa Đéc cũng được hình thành. Chúng tôi mong muốn rằng, các địa phương khác không chỉ biết đến Sa Đéc là làng hoa trăm tuổi, đến Sa Đéc không chỉ để ngắm mà còn có thể thưởng thức các sản phẩm từ hoa.

Anh Nguyễn Văn Vũ Minh – Bí thư tỉnh Đoàn Đồng Tháp thông tin, sau hơn 3 năm triển khai, tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, nhiều dự án khởi nghiệp phát huy từ thế mạnh địa phương được thị trường đón nhận như gạo sạch Tâm Việt của Võ Văn Tiếng (huyện Hồng Ngự), các sản phẩm tinh dầu của Đoàn Ngọc Minh Thùy (thị xã Hồng Ngự), trà lá sen của Ngô Khánh Huy (huyện Tháp Mười)...

Cùng với đó ngày càng có nhiều sản phẩm khởi nghiệp mới được đánh giá là giàu tiềm năng.

Anh Nguyễn Văn Vũ Minh nhận định, Đồng Tháp là nơi có thế mạnh về nông nghiệp nên việc khai thác các tiềm năng bản địa sẽ tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp là một việc làm cần thiết, hợp xu thế về thị trường.

Thông qua các cách làm mới của tuổi trẻ, tư duy mới dám nghĩ, dám làm của đoàn viên, thanh niên, nhiều sản phẩm thương mại cụ thể, có giá trị khác, chất lượng khác được sản xuất từ các nguyên liệu tại địa phương sẽ là tiềm lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục